Ðảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa bão
Trước mùa mưa bão cận kề, ngành Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị quản lý xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và vận hành an toàn đập dâng, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 163 hồ chứa, trong đó Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý 65 hồ chứa và 28 đập dâng lớn, các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác 98 hồ nhỏ và vừa.
Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, hiện đơn vị xây dựng xong phương án phòng, chống thiên tai (PCTT) cho từng hồ chứa. So với mọi năm, cái khó rất lớn mới xuất hiện là các hồ chứa do địa phương quản lý, vận hành, khi bàn giao về Công ty theo quy định mới (Quyết định số 64/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định) hầu hết đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Từ đầu vụ Đông Xuân 2020 - 2021 đến nay, Công ty khẩn trương sửa chữa nhiều hồ chứa xuống cấp nặng, hiện đang tiếp tục sửa chữa 2 hồ khác ở Phù Mỹ và Hoài Ân.
Cán bộ Chi cục Thủy lợi và đơn vị khai thác, vận hành kiểm tra an toàn công trình hồ Núi Một (Nhơn Tân, TX An Nhơn). Ảnh: VŨ ĐÌNH THUNG
Nhìn chung, việc tiếp nhận các hồ chứa, đập dâng do DN quản lý khá thuận lợi vì hầu hết các DN đều có kinh nghiệm, năng lực vận hành tốt hơn so với phía các địa phương. Ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), xác nhận, trong mùa mưa bão tới, đáng lo nhất vẫn là các hồ chứa giao địa phương quản lý. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Chi cục lên phương án, kết nối làm việc từ xa với các địa phương, đôn đốc địa phương kiểm tra an toàn hồ, đập; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai lồng ghép các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa phù hợp.
Đến nay, tỉnh ta đã cho lắp đặt 69 trạm quan trắc lượng mưa tự động, 34 trạm quan trắc mực nước tự động chuyên dùng, kết hợp với các thiết bị theo dõi, kiểm soát như hệ thống camera tự động ở các hồ chứa lớn, cửa xả lũ, hệ thống cảnh báo lũ… hình thành dữ liệu tổng hợp trong PCTT. Từ đó giúp cơ quan quản lý đưa ra được số liệu chính xác lượng nước dâng lên hồ chứa, cảnh báo dòng chảy về hạ lưu. Đồng thời, Chi cục Thủy lợi tham mưu Sở NN&PTNT hướng dẫn các đơn vị lập quy trình vận hành hồ chứa trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, đến nay đã thực hiện cho 57/163 hồ, trong đó có 14 hồ được UBND tỉnh phê duyệt quy trình vận hành, 40 hồ đã lập quy trình trong giai đoạn thiết kế, sửa chữa nhưng chưa được phê duyệt, 3 hồ nhỏ do tổ chức thủy lợi cơ sở lập và tự thực hiện.
Đáng quan tâm nhất hiện nay là 98 hồ chứa phân cấp cho địa phương quản lý. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, kết quả kiểm tra hiện trạng cho thấy nhiều hồ bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Với kết quả này, ngành Nông nghiệp chỉ đạo địa phương, đơn vị quản lý lập phương án PCTT cụ thể cho từng hồ. Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn & Phòng thủ dân sự tỉnh, cho biết: Trước đây, việc quản lý hồ, đập ở địa phương gần như giao hết về cơ sở, chủ yếu là các HTXNN chịu trách nhiệm khai thác, vận hành. Năng lực của cán bộ HTXNN nói chung có nhiều hạn chế, lực lượng lại mỏng, khả năng của địa phương trong duy tu bảo dưỡng lại hạn chế nên tình trạng hồ đập hư hỏng, xuống cấp sau nhiều năm sử dụng cũng là dễ hiểu. Do vậy, bên cạnh việc bàn giao các hồ lớn về cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, Sở tiếp tục xây dựng các giải pháp, phối hợp với các địa phương từng bước hoàn thiện quy trình vận hành, nâng cao năng lực cho đơn vị quản lý ở cấp cơ sở; đồng thời đề xuất UBND tỉnh xem xét đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa xuống cấp.
THU DỊU