Đảm bảo chăn nuôi an toàn dịp cuối năm
(BĐ) - Sáng 17.9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng của năm 2021, ngành Nông nghiệp cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển với tổng đàn hơn 515 triệu con gia cầm, 27 triệu con heo, 10 triệu con bò…; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả. Về thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh khoảng 16.253 ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm 2020. Bộ NN&PTNT xuất cấp cho các địa phương 90 nghìn liều vắc xin, 279 nghìn lít hóa chất phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và 380 nghìn lít hóa chất phòng bệnh thủy sản.
Lực lượng Thú y huyện Phù Cát hỗ trợ người dân tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò. Ảnh: PHẠM TIẾN SỸ
Về phía tỉnh Bình Định, trong 8 tháng của năm 2021, tổng đàn vật nuôi tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tổng đàn bò đạt 295.701 con, tăng 1,2%; đàn heo 647.592 tăng 1,6%; đàn gia cầm 8,4 triệu con tăng 4,9%. Đến nay, Bình Định cơ bản khống chế được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tháng 10.2021, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin đợt 2 cho vật nuôi, tiếp tục hỗ trợ hóa chất vệ sinh chuồng trại cho các hộ chăn nuôi.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong 8 tháng qua, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết song chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy sản vẫn đạt kết quả tích cực, đáp ứng được vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước. Ngành chăn nuôi là một trong những ngành đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, để tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi), các địa phương phải triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi. Tập trung triển khai tiêm vắc xin đợt 2 cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm; tuyên truyền người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch, giảm nguy cơ dịch lây lan, giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Thời điểm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, người chăn nuôi tập trung tái đàn mạnh để phục vụ thị trường Tết, các địa phương phải chủ động bám sát tình hình, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; tổ chức giám sát, kiểm soát, kịp thời phát hiện các ổ dịch mới khoanh vùng, xử lý. Đồng thời khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn theo hướng sinh học, áp dụng công nghệ quản lý dịch bệnh đàn vật nuôi.
THU DỊU