Công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở TP Quy Nhơn: Tiếp tục tầm soát rộng, phong tỏa hẹp
Kết quả tầm soát diện rộng tại 5 phường nội thành của TP Quy Nhơn đã góp phần quan trọng để nhận diện tình hình dịch hiện nay trên địa bàn thành phố. Đây cũng là cơ sở để lãnh đạo tỉnh và thành phố đưa ra các biện pháp chống dịch tiếp theo với phương châm “tầm soát rộng, phong tỏa hẹp”.
Cuối giờ chiều 17.9, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Phi Long làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Quy Nhơn về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Quang cảnh buổi làm việc chiều 17.9. Ảnh: N.V.T
Rất nhiều nhận định được đưa ra với thông tin, dữ liệu thu được sau gần 2 ngày thực hiện phong tỏa 5 phường: Ngô Mây, Đống Đa, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Hải Cảng. Khẩn trương bàn bạc, đánh giá tác động của từng phương án cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra các quyết định quan trọng.
Một số điểm test bố trí chưa tốt
Thực hiện quyết định tạm phong tỏa 48 giờ kể từ 0 giờ ngày 16.9, 5 phường đã triển khai bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, dụng cụ tại các điểm chốt chặn lối ra/vào và các địa điểm test nhanh để tầm soát dịch Covid-19.
Cụ thể, phường Hải Cảng lập 20 địa điểm chốt và 30 điểm test, phường Đống Đa lập 14 địa điểm chốt và 20 điểm test, phường Trần Hưng Đạo lập 22 địa điểm chốt và 7 điểm test, phường Nguyễn Văn Cừ lập 14 điểm chốt và 18 điểm test, phường Ngô Mây lập 11 điểm chốt và 13 điểm test.
Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng cho rằng việc thiết lập một số chốt chặn lối ra/vào tại một số vị trí còn chưa phù hợp. Ảnh: N.V.T
Về chiến dịch phong tỏa, tầm soát diện rộng này, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng cho rằng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phong tỏa được nâng cao, có sự tham gia của hệ thống chính trị tại địa phương và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Các địa phương triển khai lập sổ bộ dân cư của từng tổ dân phố chưa kịp thời, số hộ, số nhân khẩu còn chưa đầy đủ, khó khăn trong công tác huy động, tổ chức triển khai thực hiện tại một số điểm test.
Việc thiết lập một số chốt chặn lối ra/vào tại một số vị trí còn chưa phù hợp, trong đó có đơn vị lập chốt tại những luồng xanh gây khó khăn cho việc đi lại của một số phương tiện tham gia giao thông.
“Đáng chú ý, việc bố trí các điểm test nhanh tại các khu phố chưa hợp lý, một số nơi quá chật chội, tập trung đông người vào một điểm test. Tại một số điểm người hướng dẫn sắp xếp vị trí ngồi còn chưa thường xuyên, liên tục”, ông Dũng thẳng thắn thừa nhận.
Bên cạnh đó, vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt; chưa thường xuyên xuống từng địa bàn để nắm tình hình cụ thể để chỉ đạo, đôn đốc, sắp xếp, điều phối lực lượng làm nhiệm vụ một cách phù hợp, kịp thời. Một số tổ Covid-19 cộng đồng hoạt động hiệu quả chưa cao, còn mang tính chất hình thức, phong trào.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, hoạt động tầm soát lần này ở TP Quy Nhơn khâu triển khai rất áp lực. Ảnh: N.V.T
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, kế hoạch tầm soát lần này ở TP Quy Nhơn có quy mô lớn với trên 80 nghìn nhân khẩu, vừa test nhanh vừa xét nghiệm PCR nên khâu triển khai rất áp lực.
“Ngày đầu thực hiện đã thiếu nhân lực để nhập liệu, test xong mà không cập nhật được số liệu nên khâu tổng hợp, phân tích gặp khó khăn”, ông Hùng cho biết.
Nhận diện “điểm nóng” Hải Cảng
Kết quả tầm soát trên diện rộng tại 5 phường nội thành đến chiều 17.9 đã phát hiện 9 F0; trong đó phường Hải Cảng có 7 F0, 2 F0 còn lại ở phường Đống Đa và Thị Nại.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường Hải Cảng. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Tính từ 28.4 đến 17.9, trên địa bàn TP Quy Nhơn có 178 ca dương tính với SARS-CoV-2; đã điều trị khỏi bệnh 59 trường hợp, tử vong 3 trường hợp, đang điều trị 116.
Kết quả test nhanh tính đến 18 giờ ngày 17.9, tổng cộng 5 phường đã test 69.937/84.989 nhân khẩu, đạt tỷ lệ 82,29%. Trong đó, phường Hải Cảng đạt 95,16%, phường Đống Đa đạt 70,09%, phường Trần Hưng Đạo đạt 80,69%, phường Nguyễn Văn Cừ đạt 90,08%, phường Ngô Mây đạt tỷ lệ 89,77%.
Trong đó, chỉ từ 12.9 đến nay đã xác định 88 ca bệnh liên quan đến nhiều ổ dịch. Đáng chú ý, liên quan ổ dịch phường Hải Cảng đã có 67 ca (gồm: Hải Cảng: 43, Trần Hưng Đạo: 9, Đống Đa: 8, Ngô Mây: 2, Nguyễn Văn Cừ: 4, Thị Nại: 1).
Ổ dịch mới ở phường Nhơn Bình đã có 5 ca tại tổ 2, khu phố 1, chưa rõ nguồn lây. Ổ dịch mới phường Ghềnh Ráng đã có 5 ca có liên quan đến ổ dịch tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.
“Khác với lần phong tỏa tạm thời, tầm soát diện rộng trước đây ở 4 phường, lần này đã phát hiện được đến 7 F0; khẳng định thêm Hải Cảng là ổ dịch rất phức tạp. Thêm vào đó, không như Ghềnh Ráng và Nhơn Bình dân cư rải rác, tại Hải Cảng dân cư sống “đậm đặc”, nguy cơ lây nhiễm càng cao”, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam phân tích.
Phong tỏa càng hẹp càng hiệu quả
Sau khi đánh giá, nhận định tình hình, lãnh đạo tỉnh quyết định 4 phường Đống Đa, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Mây sẽ gỡ phong tỏa sau 48 giờ phong tỏa tạm thời để tầm soát diện rộng Covid-19.
Riêng phường Hải Cảng sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong vòng 7 ngày kể từ 0 giờ ngày 18.9. Đồng thời, thực hiện phong tỏa cứng theo Chỉ thị 16 tăng cường đối với một số khu dân cư liên quan đến các ca bệnh và ổ dịch ở khu phố 2, 4, 10.
Từ ngày 18.9, TP Quy Nhơn sẽ tiếp tục thực hiện tầm soát diện rộng theo 3 lớp liên quan đến vùng lõi có F0.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, tới đây hoạt động xét nghiệm ở TP Quy Nhơn phải được tổ chức bài bản hơn. Ảnh: N.V.T
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, tới đây hoạt động xét nghiệm ở TP Quy Nhơn phải được tổ chức bài bản hơn; tăng cường cán bộ phụ trách và tình nguyện viên cho từng điểm xét nghiệm, nhất là phải có lực lượng nhập liệu để phục vụ khâu phân tích, đánh giá nguy cơ ở từng tổ dân phố.
“Đây là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch theo nguyên tắc xét nghiệm rộng nhưng phong tỏa hẹp, càng hẹp càng chặt chẽ”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ cần vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn. Rút kinh nghiệm sau đợt phong tỏa lần này, tới đây mỗi chiến dịch phải phân công các phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách từng mảng: lập chốt, xét nghiệm, an ninh trật tự, đảm bảo lương thực thực phẩm... Ở các phường, xã cũng phải làm như vậy, không được coi tất cả là việc của thành phố.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu TP Quy Nhơn phải phân công, phân nhiệm rõ ràng trong chống dịch. Ảnh: N.V.T
“Thời gian qua vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là, chưa dồn hết lực lượng, tâm huyết chống dịch; thấy Quy Nhơn trời yên bể lặng vậy chứ vỡ trận lúc nào không hay. Phải sâu sát cơ sở, làm ngày làm đêm để kiểm soát được các ổ dịch, chứ đừng sáng xách cặp đi chiều xách về!”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Nhận định tình hình dịch ở TP Quy Nhơn rất phức tạp, nhất là phường Hải Cảng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh phải thật sự quyết tâm mới kiềm chế được. “Phải phân công, phân nhiệm rõ ràng; cả hệ thống chính trị vào cuộc, không được khoán trắng cho ngành Y tế. Làm không xong, các đồng chí phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân tỉnh nhà, chứ không phải riêng thành phố đâu”, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ.
Nguồn: BTV
Bên cạnh đó, người đứng đầu Tỉnh ủy cũng yêu cầu các địa phương quan tâm, chăm lo chu đáo cho đời sống của người dân khu vực phong tỏa, bởi ở thành phố không có “con gà, cọng rau” để xoay sở qua ngày như các khu vực nông thôn.
NGUYỄN VĂN TRANG