Cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua mạng
Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình… về các thủ đoạn tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Song vẫn có không ít người mắc bẫy và mất số tiền khá lớn.
Muôn kiểu bẫy lừa
Đang có nhu cầu vay vốn, lại nhận được tin nhắn vay thế chấp với thủ tục đơn giản, nên anh L.C.T. (SN 1992, huyện Phù Mỹ) đã truy cập để vay 80 triệu đồng. Sau khi thực hiện các thao tác theo hướng dẫn, anh được một người gọi điện thoại hướng dẫn kết bạn trên mạng xã hội zalo để tiện trao đổi và yêu cầu chuyển khoản thế chấp 10% số tiền anh muốn vay. Tuy nhiên, sau khi anh T. chuyển khoản xong 8 triệu đồng thì bên kia báo lại chưa nhận được và yêu cầu tiếp tục chuyển khoản vì mã đơn xin vay của anh đã được duyệt. Nếu không chuyển tiền cọc bảo hiểm khoản vay vào những số tài khoản mà họ cung cấp thì số tiền chuyển trước đó sẽ bị đóng băng và anh T. phải bồi thường 50% tổng khoản vay đó. Và cứ thế, số tiền chuyển tăng dần lên đến trên 520 triệu đồng sau gần 2 ngày giao dịch. “Với suy nghĩ nhanh chóng chuyển tiền vào để được giải ngân, nên tôi vay nóng rồi lần lượt chuyển vào. Vừa áp lực khoản nợ vay nóng, vừa bị bọn lừa đảo ép bồi thường... Tôi hoảng quá điện thoại thương lượng họ chuyển trả tiền thì họ tắt số liên lạc”, anh T. cho biết.
Giao dịch vay tiền qua app mà đối tượng lừa đảo trao đổi với nạn nhân T.
Thực tế cho thấy, chiêu thức phổ biến của tội phạm mạng là: Kết bạn qua mạng xã hội zalo, facebook, giả danh cơ quan thực thi pháp luật, chiếm quyền sử dụng hoặc giả facebook người thân bị hại để lừa đảo và thông qua chiêu thức vay tín chấp trên các app. Không chỉ vậy, tội phạm mạng còn giả danh cán bộ thực thi pháp luật (CA, viện kiểm sát, tòa án), nói nạn nhân liên quan đến các đường dây tội phạm, buộc họ phải nộp tiền vào “tài khoản cơ quan chức năng” để “kiểm tra” rồi chiếm đoạt. Và gần đây là giả danh CSGT, Sở GTVT yêu cầu đóng phạt vì vi phạm ATGT. Như mới đây, anh Trần Quốc Linh (TP Quy Nhơn) đến bộ phận tiếp nhận xử lý vi phạm giao thông thuộc Phòng CSGT (CA tỉnh) phản ánh, anh có nhận một cuộc gọi tự nhận là từ Cục CSGT, thông báo anh vi phạm Luật Giao thông đường bộ và yêu cầu đóng vào tài khoản họ cung cấp 20 triệu đồng để chuẩn bị làm căn cứ điều tra. Anh kể: Sau khi tôi bấm phím số 9 theo yêu cầu và cung cấp họ tên cũng như số CMND, họ hỏi lại tôi đang ở đâu vì sau khi kiểm tra “trên hệ thống” thì phát hiện phương tiện của tôi đã gây TNGT và nạn nhân đã tử vong. Tuy nhiên, khi tôi hỏi tôi gây TNGT chết người ở đâu, thời gian nào thì họ nói đang kiểm tra. Nhận thấy có nhiều nghi vấn nên tôi cúp máy; đồng thời sử dụng một điện thoại khác gọi lại số điện thoại vừa gọi đến nhưng không liên lạc được.
Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm còn chiếm quyền sử dụng hoặc làm giả facebook người thân của bị hại; thông báo trúng thưởng ngẫu nhiên hay các khoản tiền trợ cấp như hỗ trợ dịch bệnh, tiền hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi... rồi hướng dẫn nạn nhân nhấp vào đường link để hoàn thiện các bước. Tuy nhiên, khi nạn nhân nhấp vào thì ngay lập tức chúng chiếm dụng mã OTP và nhanh chóng rút sạch tiền của nạn nhân có trong tài khoản.
Cảnh giác đề phòng
Theo các cơ quan chức năng, tội phạm mạng đã nhằm vào xu hướng của phần lớn người dân hiện nay thường sử dụng thiết bị công nghệ trong giao dịch, mua bán và trao đổi hàng hóa, thông tin để lừa đảo. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, là do hiện nay tình trạng dữ liệu cá nhân bị chiếm đoạt, mua bán diễn ra ở hầu hết lĩnh vực. Các thông tin cá nhân, tổ chức thường bị mua bán, chiếm đoạt như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, số điện thoại, địa chỉ, nơi làm việc, vị trí công tác hoặc bao gồm cả tiền lương hằng tháng…Theo luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, thì hành vi thu thập, mua bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà có hướng xử lý khác nhau, từ xử phạt vi phạm hành chính đến hình sự. Cụ thể, vi phạm hành chính có thể bị phạt từ 2 triệu đến 70 triệu đồng, còn vi phạm hình sự thì bị xử phạt tù lên đến 7 năm. Đồng thời, bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề, làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng tâm lý hám lợi khi có người tặng quà, hứa hẹn “hợp tác làm ăn” của nhiều người để đưa họ vào “kịch bản” đã bày sẵn nhằm chiếm đoạt tài sản. Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh, khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Không chia sẻ các thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc nhấp vào các đường link... cũng như không vay tiền trên các app tín chấp không rõ ràng. Bởi đây chính là những kẽ hở ban đầu để các đối tượng xây dựng “kịch bản” đưa người dân vào bẫy của chúng.
KIỀU ANH