Quy Nhơn chưa có nhà sách!
Hôm trước, khi đang nói chuyện bao đồng, đột nhiên anh bạn tôi làu bàu:
- Quy Nhơn ngó vậy mà chưa có nhà sách!
Vốn quen với những ý kiến nhiều khi trái khoáy nhưng ngẫm kỹ lại thấy có lý của anh, nên tôi im lặng chờ nghe kiến giải. Quả nhiên, một lúc sau anh thủng thẳng:
… Ở Quy Nhơn bây giờ xét về nơi bán sách đáng kể có: Nhà sách Vạn Trí Quy Nhơn nằm trong Trung tâm thương mại Quy Nhơn và hai nhà sách của FAHASA - một ở Trung tâm thương mại Quy Nhơn, một ở Trung tâm thương mại Kim Cúc Plaza. Cả ba có bán cả văn hóa phẩm, văn phòng phẩm nhưng sách vẫn là ngành hàng chủ lực.
- Ấy đấy, vẫn có 3, sao anh lại bảo là không có!
- Đúng vậy. Nhưng tôi thấy sự bài trí ở cả ba chỗ bán sách ấy đều khá lộn xộn và nhiều khi tùy tiện. Lắm khi họ tận dụng lối đi để làm kho chứa sách. Mấy năm trước, đây là những nhà sách bài bản nhất, phong cách phục vụ thuộc hàng chuẩn mực…
- Kinh doanh khó khăn, họ trả bớt mặt bằng. Chắc do bây giờ chật chội quá nên…
- Không hẳn là do chật chội đâu, cái ở trong Trung tâm thương mại Kim Cúc Plaza đâu có chật. Nhưng chuyện bày biện thật ra cũng dễ khắc phục, điểm đáng nói nhất là nhân viên của họ rất ít người ý thức rằng họ đang làm việc ở nhà sách. Tôi thấy họ thường xuyên cười nói, đùa giỡn lớn tiếng. Nhiều khi tiếng ồn do họ tạo ra còn lớn hơn cả tiếng của vài chục khách hàng đang tìm, chọn lựa sách.
“Thế cậu có biết vì sao mà chỗ bán sách nhưng người ta lại gọi là “nhà” chứ ít khi gọi là “cửa hàng” là “cửa hiệu” không?” - Bạn tôi đột nhiên hỏi giật.
Rồi anh lý giải luôn: Một cửa hàng ăn bình dân, thường thường bậc trung nhất định không đề là “nhà hàng” nếu ông chủ biết tự trọng, biết mình biết người. Gọi là “nhà sách”, nôm na là vì sự trang trọng, vì yêu quý sách, vì trân trọng một phương tiện lưu truyền tri thức! Tôi nói ở Quy Nhơn chưa có “nhà sách” chứ không nói Quy Nhơn chưa có “cửa hàng bán sách” là vì thế.
- Ôi, ra là thế!
Đ.A