Kết nối tiêu thụ nông sản
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa nội tỉnh cũng như liên tỉnh gặp không ít khó khăn. Thương lái ngoài tỉnh không còn đến các địa phương trong tỉnh để mua gom nông sản, người dân trồng cây ăn trái, sản xuất rau, màu... đã tìm mọi cách để tiêu thụ nông sản nhưng kết quả rất hạn chế.
Chị Đinh Thị Lệ Huyền, 116 Ngô Đức Đệ, phường Bình Định, TX An Nhơn cho biết: Tôi mua gom các loại rau của 15 hộ, thuộc nhóm Lá Lành, TX An Nhơn. Bình quân mỗi ngày tôi mua gom 200 - 300 kg, xuất bán các tỉnh, thành như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế và TP Quy Nhơn. Khoảng thời gian qua, phường Bình Định thực hiện Chỉ thị 16, toàn bộ rau mua được tôi đều bán luôn tại phường do rau củ quả ở nơi khác không về tới phường. Rau Lá Lành được tiêu thụ khá thuận lợi, giá không tốt lắm nhưng được cái ổn định và chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Nguyễn Đình Kha, thôn Tú Thủy, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước kể: Vườn khổ qua của gia đình tôi thu hoạch 100 - 150 kg/ngày. Trước đây, các thương lái tới tận vườn mua gom giá 10.000 đồng/kg. Giờ tôi kết nối với các tiểu thương trong huyện dữ lắm hoặc nhờ nhóm đi chợ hộ bán lẻ mới được giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nhưng lấy được vốn để duy trì vườn rau trong thời điểm dịch bệnh như thế là may rồi. Dịch bệnh khiến chỗ nào cũng khó khăn nên tôi thấy được như mình vẫn còn may mắn lắm.
Nhờ được chính quyền xã Cát Lâm, huyện Phù Cát hỗ trợ nhiều người trồng dưa đã thu hoạch kịp thời, tiêu thụ hết toàn bộ số dưa. Ảnh: H.Y
Vừa qua, tại xã Cát Lâm, huyện Phù Cát có 17 ha dưa hấu, sản lượng khoảng 40 tấn/ha, giá 4.000 đồng/kg; dưa lưới 33 ha, sản lượng khoảng 30 tấn/ha, giá 13.000 đồng/kg mắc kẹt. Trong lúc người trồng dưa ruột gan rối bời thì cán bộ xã nhanh chóng ghé vai vào hỗ trợ giấy tờ, thủ tục, làm test nhanh… để nông dân kịp thu hoạch, chuyển dưa ra điểm tập kết gần quốc lộ; kết nối và tạo điều kiện để thương lái có thể vào giao nhận hàng đưa ra thị trường. Hoặc như vườn rau an toàn Yuuki farm, ở thôn Thiết trụ, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn, chủ vườn thu hoạch xong chở qua xã Nhơn Mỹ, thuê xe bán tải có giấy phép thông hành đưa sản phẩm về TP Quy Nhơn tiêu thụ.
Nhờ chính quyền năng động hỗ trợ, nhà vườn tích cực kết nối nên nông sản ở các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn được tiêu thụ ngay tại địa phương khá ổn định, phần khá lớn được đưa vào TP Quy Nhơn và tại đây nhiều chủ vựa rau, củ, quả, các cửa hàng, siêu thị chủ động hỗ trợ.
Gian hàng hỗ trợ bán nông sản Bình Định tại 127 Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn vào ngày 17.9. Ảnh: H.Y
nhiều tuần qua, các siêu thị: Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn và Big C đã chủ động liên hệ các nhà vườn trong toàn tỉnh, nhóm sản xuất để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Bưu điện tỉnh mở gian hàng hỗ trợ nông sản Bình Định với giá ổn định vào thứ sáu mỗi tuần tại 127 Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn hoặc đặt tại trang điện tử thương mại PostViet.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sau thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, sự phối hợp thực hiện có lúc, có nơi còn máy móc, bất cập nhưng về sau việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đã thuận lợi hơn.
HẢI YẾN