Nguyện ước sau cơn mưa
●Tạp bút của VŨ ĐÌNH THUNG
Mưa. Muôn đời hạt mưa nào cũng giống hạt mưa nào. Thế nhưng trong cơn mưa chiều nay, cơn mưa quý báu cuối mùa hạ, nhìn những hạt mưa rơi xuống từ những cành hoa giấy trước nhà, tôi không thấy lòng mình dấy lên niềm vui giải hạn, mà thấy buồn buồn theo những hạt mưa rất buồn, những hạt mưa long lanh như những giọt nước mắt. Tôi nhận ra sự khác nhau của những hạt mưa.
Sao không buồn cho được khi quê tôi đang vào mùa thu hoạch lúa, trời không bất chợt đổ mưa nông dân đã rất buồn rồi. Bởi, chưa có vụ mùa nào ruộng mình cắt mà nông dân không được nô nức ra đồng nhìn cho thỏa những gié lúa chín vàng. Không được la lết ngoài đồng ngày này sang ngày kia để hít thở cho đã mùi rơm rạ có lẫn mùi mồ hôi của mình, thành quả suốt mấy tháng trời ròng rã chăm sóc cho cây lúa. Ra đồng thu hoạch lúa mà không ai nói với ai lời nào, thậm chí không được bắt cái tay để chúc mừng nhau vụ mùa thắng lợi. Cánh đồng đang mùa gặt mà tĩnh lặng không có lấy một tiếng cười, chỉ độc tiếng chiếc máy gặt đập liên hợp hối hả trên những thửa ruộng. Biết là buồn, nhưng nông dân không thể từ chối nỗi buồn này, bởi quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Đã buồn là vậy mà ruộng đang cắt trời bỗng đổ mưa, cơn mưa như phép nhân khiến buồn càng thêm buồn. Hạt lúa còn đang nằm trong gié khô khốc dưới cái nắng “nám trái bưởi” nhiều ngày qua giờ bỗng ngấm đầy nước, ít nhiều sau này hạt gạo sẽ bị mất chất lượng, bở rệch. Đó là chưa kể đến những thửa ruộng chưa kịp thu hoạch còn đứng tồng ngồng trên đồng, cây lúa mảnh mai đeo gié lúa trĩu nặng bị cơn mưa đè nằm mẹp xuống nền ruộng, những hạt lúa bết bùn đất, 10 hạt chỉ còn thu được 7, thất thu, buồn.
Thêm nữa, đâu phải nông dân nào nhà cũng có sân lớn để phơi lúa, nông thôn bây giờ nhà cửa ken dày chẳng khác mấy so với phố thị, đến mùa thu hoạch bà con hay mang lúa qua phơi nhờ nhà hàng xóm có sân to, hoặc dào vô bao chở đến sân hợp tác xã, sân nhà thờ, những tuyến đường cụt để đón nắng. Bây giờ đang mùa giãn cách, ai ở nhà nào ở yên nhà đó thì làm sao mang lúa ra khỏi nhà đi phơi nhờ như trước. Những hạt lúa thành quả của cả vụ mùa long đong theo sự bất bình thường của cuộc sống trong mùa dịch giã.
Chiều, sau cơn mưa, ngồi trên hiên nhà nhìn ra con đường bê tông, thỉnh thoảng tôi thấy một nông dân tất tả đi qua. Bộ quần áo lấm lem như được mưa dán dính vào người anh nông dân xộc ra mùi nồng nồng rơm rạ. Sau hơn một tháng không được giao tiếp, tôi bỗng ngứa miệng nói vói theo bước chân anh nông dân: “Mùa gặt mà mưa gió khổ quá anh hén”. Không dừng bước chân, giọng anh nông dân vọng lại: “Dẫy mà khổ gì anh, khổ mà có lúa ăn. Đồng bào miền Nam còn cơ cực hơn với dịch bệnh, mình khổ dẫy thấm gì…”. Tiếng cười an nhiên vút lên như một cánh chim trong mưa.
Ừ nhỉ, “mình khổ dẫy thấm gì”! Tôi nghe trong câu nói của anh nông dân chân chất đầy sự chia sẻ, dù câu nói ấy không đưa về miền Nam đồng bạc hay ký gạo nào. Mới hay cái “nghĩa đồng bào” luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, nó bột phát bất cứ lúc nào giữa những cơn hoạn nạn. Chợt nhớ, mới đây, những nông dân trồng rau ở Thuận Nghĩa huyện Tây Sơn, nghe qua thông tin đại chúng biết người Sài Gòn bây giờ đang rất “đói” rau trong thời gian giãn cách kéo dài, vậy là mỗi người đóng góp 5 - 10 ký rau, người không có trồng rau thì mua rau đóng góp để gửi hỗ trợ người Sài Gòn 4 tấn rau xanh. Không nhiều, nhưng đó là góc “tươi xanh” trong tấm lòng của nông dân mình gửi cho người đang trong cơn hoạn nạn.
Hình như nỗi buồn kéo chiều nhanh xuống, nghe tiếng chuông nhà thờ đổ mới hay đã 5 giờ. Tiếng chuông trong chiều mưa dường như cũng bị ướt, tiếng chuông bớt trong và bớt vang xa. Không phải lời an ủi, nhưng tôi nghe trong tiếng chuông nhà thờ đầy ắp sự an yên lan tỏa. Do giãn cách, nên tôi biết nhà thờ gióng chuông theo thông lệ chứ sau hồi chuông sẽ không có giáo dân nào đến nguyện kinh chiều như mọi hôm. Mà đâu cần phải vậy, tôi nghe trong tiếng chuông đã có bao nhiêu lời kinh đang vang xa. Những lời kinh khấn cầu cho cuộc sống được bình yên, những lời kinh xua đuổi dịch bệnh, những lời kinh ước mong niềm vui và hạnh phúc sớm quay về với mọi người. Tiếng chuông nhà thờ thấm sâu vào màn đêm.
Tôi lên giường ngủ, lại nghe tiếng mõ cầu kinh của người hàng xóm, một phật tử mộ đạo. Tiếng tụng kinh khoan thai, nhịp mõ đều đều truyền vào không gian những luồng hơi ấm tỏa hương trầm ngan ngát vào đêm như những lời ru bình yên. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ an lành.
Và tôi mơ, mơ sáng ra mặt trời sẽ mang đến cho con người một ngày bình yên như những ngày yên bình trước đây. Mơ những con đường nườm nượp bóng người qua, nụ cười lại hực hỡ trên những đôi môi, cuộc sống rạng rỡ những sắc màu mới mẻ. Còn tôi, được dong xe xuống Diêu Trì uống rượu, nói chuyện tào lao với thằng bạn mà lâu nay chỉ trò chuyện, đọc thơ, hát nhạc cho nhau nghe qua net.
Tôi tin ngày ấy nhanh đến thôi!