Siết chặt việc quản lý nguồn nước dưới đất: Giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện đúng các hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định, Sở TN&MT đã điều tra, lập, công bố danh mục bản đồ phân vùng hạn chế và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, TX An Nhơn, Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn và các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thuộc vùng hạn chế và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Phần hạn chế gồm 74/104 xã, phường, thị trấn; khu vực phải đăng ký khai thác thuộc 103/104 xã, phường, thị trấn.
Hoạt động thăm dò nước dưới đất phục vụ cho Nhà máy nước Phú Tài. Ảnh: Sở TN&MT cung cấp
Ông Võ Minh Đức, Trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT), cho biết: 9 tháng đầu năm 2021, Sở TN&MT thẩm định hồ sơ và trình UBND tỉnh cấp 9 giấy phép khai thác nước dưới đất, 2 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, 4 giấy phép thăm dò nước dưới đất; tham gia thẩm định 1 giấy phép khai thác nước dưới đất do Bộ TN&MT cấp. Việc công bố vùng hạn chế và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất từng bước chấm dứt hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phép, hướng tới phòng ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài danh mục vùng hạn chế, giờ đây cơ quan chức năng đã làm rõ thêm một số điều kiện kỹ thuật như: Phạm vi khu vực liền kề cách biên mặn 100 m hoặc cách bãi chôn lấp rác thải, khu vực nghĩa trang tập trung 1.000 m thì không cấp phép thăm dò, xây dựng công trình khai thác nước dưới đất mới; dừng hoạt động khai thác, xử lý và trám lấp giếng theo quy định đối với công trình không có giấy phép. Các công trình đang khai thác nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng, chống thiên tai nếu đủ điều kiện thì được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Những trường hợp giấy phép khai thác có thời hạn sẽ chỉ được gia hạn, điều chỉnh, cấp lại nếu dùng để cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng, chống thiên tai.
Giếng khoan khai thác nước dưới đất phục vụ cho Nhà máy nước Phước Quang (huyện Tuy Phước). Ảnh: Đ.PHƯƠNG
Tại địa bàn TP Quy Nhơn, phạm vi khu vực hạn chế tập trung ở 20/21 xã, phường (trừ xã Nhơn Lý) với diện tích 129,02 km2. Ngoài ra, khu vực hạn chế nhiễm mặn và liền kề biên mặn tại các phường Đống Đa, Hải Cảng, Thị Nại và xã Nhơn Hội. Diện tích phải đăng ký khai thác nước dưới đất là 152,94 km2 trong phạm vi đã khoanh định tại 21 xã, phường; hầu hết là khu đô thị, khu tập trung đông dân cư, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tâm đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung, đảm bảo cung cấp nước ổn định.
Được biết tại các huyện Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão do dữ liệu điều tra nước dưới đất rất ít, hoạt động khai thác nước dưới đất không nhiều, ít nguy cơ ô nhiễm nên chưa thực hiện điều tra. Theo kế hoạch, định kỳ 5 năm hay trường hợp cần thiết, Sở TN&MT phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh vùng hạn chế và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất phù hợp với tình hình thực tế. Ông Võ Minh Đức cho biết thêm: “Sở TN&MT đang lấy ý kiến các sở, ngành trình UBND tỉnh, công bố quy định đăng ký khai thác nước dưới đất, mực nước hạ thấp cho phép trong khai thác nước dưới đất. Sau khi quy định được phê duyệt, Sở tổ chức hướng dẫn các địa phương trong khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất”.
ÐÌNH PHƯƠNG