Ðưa thông tin phòng, chống dịch đến tận nhà dân
Hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã có vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin dịch Covid-19 đến với cơ sở, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tăng thời lượng tuyên truyền
Phước Hòa từng là “điểm nóng” ở huyện Tuy Phước với nhiều ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch chợ Gò Bồi. Sau thời gian nỗ lực triển khai công tác chống dịch hiệu quả, tình hình đã hạ nhiệt. Công tác tuyên truyền đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công đó.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa Võ Hồng Thắm, UBND xã đã chỉ đạo Đài Truyền thanh xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với chuyên mục riêng về dịch Covid-19. Nội dung trọng tâm là diễn biến với các ca mắc cụ thể; các biện pháp phòng, chống dịch với từng yêu cầu cụ thể, đảm bảo quy định 5K, nhất là đeo khẩu trang, không tụ tập. Cùng với đó là hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, đặc biệt chú ý người có bệnh nền, người cao tuổi…
Phát nội dung tuyên truyền về Covid-19 ở Đài Truyền thanh xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước). Ảnh: MAI LÂM
Trưởng Đài Truyền thanh xã Bùi Thị Tuyết cho biết, trước ngày 20.6.2021, hệ thống Đài Truyền thanh xã Phước Hòa tuyên truyền tất cả các ngày trong tuần, mỗi ngày 2 lần với thời lượng 10 phút/lần. Từ ngày 20.6 (khi dịch bùng phát) đến nay, mỗi lần phát tăng lên 15 phút. Bên cạnh hệ thống loa cố định còn phát loa lưu động đến các vùng dân cư nguy cơ cao.
Theo thông tin từ Sở TT&TT, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong hơn 2 tháng qua, hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã tăng gấp đôi tần suất tuyên truyền các file âm thanh tuyên truyền do Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) cung cấp và các văn bản, thông báo của Tiểu ban Truyền thông vận động (Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh) qua hệ thống thông tin cơ sở.
Cụ thể, hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã đã phát gần 8.000 lượt với 85.000 phút; xe tuyên truyền lưu động phát 5.900 lượt với 310 nghìn phút. Lượng tin, bài truyền thanh cấp huyện tự sản xuất trung bình là 35 tin, bài/ngày, cấp xã hơn 250 tin, bài.
Nhiều hình thức đã được triển khai như phát trên sóng phát thanh, tổ chức phát loa di động trên xe máy/ô tô do cán bộ văn hóa thông tin, ĐVTN thực hiện. “Mục tiêu chính là kịp thời đưa thông tin về dịch Covid-19 đến mọi người dân. Từ đó, định hướng dư luận để người dân không chủ quan lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ mà thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Phạm Ngọc Thái cho biết.
Sâu sát, cụ thể
Theo ông Phạm Ngọc Thái, căn cứ diễn biến dịch Covid-19 và chủ trương, quan điểm chống dịch của Trung ương và tỉnh, công tác tuyên truyền thời gian tới sẽ gắn với thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”. Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền để truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả. Đồng thời, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch; phát huy hiệu quả các công cụ công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đổi mới thông điệp, công tác tuyên truyền phải ngày càng thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Quy Nhơn vào chiều 17.9, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, đặt ra yêu cầu thay đổi nội dung chuẩn bị sẵn phát trên các đài truyền thanh, xe lưu động. Theo đó, cần giảm bớt các lời hô hào chung chung, thay vào đó là từng yêu cầu cụ thể đặt ra cho người dân ở từng vùng có mức nguy cơ khác nhau.
“Như người dân phường Hải Cảng đang có nhiều ca bệnh, nguy cơ càng cao khi đặc thù dân cư sinh sống trong không gian chật chội, san sát nhau thì phải tính toán hình thức tuyên truyền, vận động như thế nào cho phù hợp”, Bí thư Tỉnh ủy gợi ý.
ĐVTN Chi đoàn khu phố 7 (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đến từng hộ gia đình để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và nhắc nhở mọi người khi đi test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Ảnh: QUANG NHẬT
Rõ ràng, công tác tuyên truyền ở cơ sở cần phải đổi mới phù hợp với đặc thù từng khu dân cư. Ông Nguyễn Cảnh Minh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 5 (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), cho hay: “Khu phố có trên 3.000 người, một số sống ở khu vực núi Bà Hỏa không đăng ký tạm trú. Để công tác tuyên truyền phòng, chống dịch hiệu quả, nhất là huy động người dân tham gia test nhanh tầm soát đầy đủ, bên cạnh dùng xe máy chở loa đi tuyên truyền, chúng tôi còn phân công nhau luân phiên đến từng nhà để vận động”.
MAI LÂM