Tây Giang phát triển cây ăn trái
Những năm gần đây, nhiều nông hộ ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn, đất đồi gò sang trồng các loại cây ăn trái và thu được kết quả rất đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Diễm Chi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tây Giang, cho biết: Trước kia nói đến Tây Giang là nói đến cây mía. Người dân ở đây thu nhập chủ yếu dựa vào cây mía vì hầu hết diện tích đất canh tác là trồng mía để cung cấp cho Công ty CP Đường Bình Định. Khi Công ty ngừng hoạt động, xã kịp thời định hướng bà con chuyển đổi số diện tích trồng mía và các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện giúp nông dân tiếp cận các chương trình, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phát triển cây ăn trái.
Chỉ sau hơn 1 năm đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Ánh (thôn Thượng Giang 1) đã có thu nhập hơn 60 triệu đồng từ vườn thanh long. Ảnh: TÍN TRỌNG
Tây Giang có một lợi thế rất lớn là kênh tưới Thượng Sơn đi ngang qua địa bàn đảm bảo nước tưới thường xuyên, nhờ đó nông dân có thêm nhiều hướng đầu tư canh tác, chọn lựa loại cây trồng có lợi nhất để chuyển đổi. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, ở thôn Thượng Giang 1, chia sẻ: Sau khi đi tìm hiểu nhiều mô hình trồng cây thanh long tại tỉnh Bình Thuận, năm 2015 gia đình tôi đầu tư trồng hơn 900 cây thanh long ruột đỏ trên diện tích gần 1,5 ha. Do phù hợp với chất đất và khí hậu cùng với cách chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sau hơn 1 năm vườn thanh long của tôi phát triển khá tốt, cho quả ổn định, chất lượng quả ngon, ngọt, ngay vụ thu hoạch đầu tiên đã thu được hơn 60 triệu đồng. Phấn khởi với cây ăn trái, năm 2019 tôi tiếp tục trồng xen canh 200 cây quýt đường trong vườn thanh long, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thiên, ở thôn Nam Giang, thổ lộ: Mấy năm gần đây, xã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt ngay tại địa phương, giới thiệu nhiều loại cây trồng mới, mô hình sản xuất tiên tiến để chúng tôi chọn lựa. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu ở một số huyện trong và ngoài tỉnh, năm 2016, gia đình tôi quyết định trồng 600 cây dừa xiêm trên diện tích gần 2 ha. Nhờ đầu tư nghiêm túc, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chi tiết, đến nay vườn dừa xiêm của tôi bắt đầu cho thu hoạch.
Cùng với cách thức tiếp cận, được hỗ trợ tương tự, anh Văn Thế Giang ở thôn Nam Giang đã chuyển đổi 2 ha mía sang trồng 500 cây bưởi và 500 cây quýt đường. Mới đây, anh còn được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ đầu tư cho hệ thống tưới nước nhỏ giọt hiện đại, hiện vườn cây ăn trái của anh đang sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch.
Ở Tây Giang hiện nay có khá nhiều hộ chuyển sang đầu tư trồng cây ăn trái và có thu nhập khá, với các loại cây như: Dừa xiêm, bưởi, quýt đường, mít thái, cam… Trong đó nhiều hộ đã có thu nhập tốt ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên.
TÍN TRỌNG