25 tỉnh, thành cho học sinh đến trường, 24 tỉnh dạy học trực tuyến
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến tối 19.9, cả nước có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp, 24 tỉnh, thành phố dạy học trực tuyến và 14 tỉnh kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
Cụ thể, 25 tỉnh, thành dạy học trực tiếp là những địa phương ít ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoặc đã khống chế được dịch bệnh như Bắc Giang, Hà Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Phú Thọ... Trong khi đó, các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… đều đang tổ chức dạy học trực tuyến. Có 14 tỉnh, thành đang kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
Để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022. Theo đó, đối với lớp 1 và lớp 2, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa; từ đó xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt.
Ở môn Tiếng Việt 1, giáo viên được phép căn cứ vào trình độ học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học sao cho đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt của môn học một cách chắn chắn và không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết khi lên lớp 2. Ở một số môn học khác, trong một vài chủ đề học tập, giáo viên phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn các em thực hành yêu cầu cần đạt. Thầy cô cũng được linh hoạt thay đổi kế hoạch dạy học môn học để tổ chức dạy học một số chủ đề tại nhà trường.
Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhất là những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, Bộ GD&ĐT chỉ đạo chương trình được thực hiện theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, các nội dung đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
Theo Minh Hường (VOV1)