Phòng chống và xử lý tham nhũng:
Nhiều cái khó !
Trong đợt giám sát về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh vào cuối tháng 4 đầu tháng 5.2014 mới đây, không chỉ các thành viên trong đoàn giám sát mà cả lãnh đạo của các đơn vị, địa phương, nơi được giám sát, cũng phải thừa nhận rằng việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng thực khó lắm thay.
Một lãnh đạo CA tỉnh có trách nhiệm giải trình với đoàn giám sát nêu thực trạng việc giải quyết án tham nhũng thường khó. “Khó” ở đây không chỉ đơn giản là ở việc điều tra, thu nhập chứng cứ mà còn ở những vấn đề khác, và “giá mà để điều tra độc lập, sòng phẳng thì sẽ không khó đến vậy” (!) Việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, trả lại cho nhà nước cũng không được nhiều, đạt tỉ lệ chưa đến 50%.
Còn theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Tạng, việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ hiện nay rất hạn chế, nếu như muốn nói là bất khả thi bởi tâm lý nể nang, ngại va chạm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Bằng chứng là trong 3 năm qua (2011-2013), chưa có hành vi tham nhũng nào được phát hiện qua hoạt động tự kiểm tra, giám sát nội bộ. Các vụ việc tham nhũng trên địa bàn được phát hiện, điều tra chủ yếu qua đơn thư tố giác của công dân, cán bộ.
Không những vậy, một số quy định của pháp luật về PCTN hiện nay, nhất là các biện pháp phòng ngừa còn nặng tính hình thức, thiếu thực tế, như: Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, trả lương qua tài khoản đối với cán bộ công chức, viên chức.
Làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị: Chính phủ tiếp tục ban hành quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện công tác PCTN thuận lợi hơn, như: Quyền tiếp cận thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; xây dựng và chỉ đạo thực hiện đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình cải cách chế độ tiền lương bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, tận tụy thực hiện công vụ, hạn chế tiêu cực, tham nhũng…
Thực hiện được những giải pháp trên chắc chắn nạn tham nhũng sẽ giảm. Song vấn đề đặt ra đến khi nào thì những giải pháp này được áp dụng trong thực tiễn.
ANH THƯ
"Quyền tiếp cận thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan,..." Trong công tác điều tra của các ngành, công an đều cho rằng "trong thực hiện công vụ của họ là những tài liệu gọi là mật,... vậy thì quyền và trách nhiệm cung cấp nói trên cũng chỉ là lý thuyết, làm sao thực thi sự chống nhũng nhiễu, tham nhũng trong xã hội-không trách "Bằng chứng là trong 3 năm qua (2011-2013), chưa có hành vi tham nhũng nào được phát hiện qua hoạt động tự kiểm tra, giám sát nội bộ. Các vụ việc tham nhũng trên địa bàn được phát hiện, điều tra chủ yếu qua đơn thư tố giác của công dân, cán bộ". Muôn sự tại người kia mà !
Làm công tác chính trị, đặc biệt là Công tác Phòng chống tham nhũng. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách Dễ Dàng và Khách Quan nhất. Khi đó hiệu quả Công việc sẽ cao hơn là chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách bao quát, chung chung đặc biệt là tư tưởng ngại Khó, ngại Va chạm.