An Lão bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể
Là địa phương còn lưu giữ khá nhiều di sản văn hóa phi vật thể giá trị, thời gian qua, huyện An Lão đã ra sức gìn giữ, xem đó là tài sản vô giá để giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào của mỗi người dân.
Hiện nay, huyện An Lão có 8 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, 224 di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa phi vật thể mang nét riêng có của địa phương như: Lễ cưới của người H’re, Bana; nghi lễ mừng lúa mới, dựng nhà sàn; phong tục đặt tên cho con; các làn điệu hơ mon, ta lêu, ca choi, ca lối, hát ru… Cùng với đó là nhiều nhạc cụ truyền thống như: Cồng chiêng, goong, chinh tốc, sáo và các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác.
Thế hệ trẻ xã An Quang đang nỗ lực gìn giữ văn hóa cồng chiêng do ông cha xưa để lại. Ảnh: AN NHIÊN
Ông Châu Anh Tế, Trưởng Phòng VH&TT huyện An Lão, cho biết: Hằng năm, huyện tổ chức các lễ hội VH-TT cấp huyện, cấp xã, trong đó có ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số (tổ chức 2 năm/lần). Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại. Ngoài ra, huyện còn quan tâm đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa như: Nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao; biên soạn, hoàn thiện chữ viết và tổ chức giảng dạy tiếng H’re cho cán bộ, công chức và giáo viên công tác ở vùng có đông đồng bào H’re sinh sống. Hỗ trợ các bộ cồng chiêng cho các thôn, làng, các trường học, giúp bà con có thêm điều kiện để sinh hoạt tập thể, duy trì, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện An Lão cũng còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu đội ngũ nghệ nhân am hiểu về văn hóa phi vật thể. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản, gắn kết các di sản văn hóa với hoạt động du lịch còn hạn chế. Thiếu kinh phí hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, tổ chức truyền dạy và quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa.
Điều đáng mừng là trên địa bàn huyện có 40 thôn, làng được huyện và các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ mỗi làng 1 bộ chiêng, 1 bộ chinh tốc (đối với các làng của người H’rê), 1 bộ goong, 1 bộ chiêng (đối với các làng có người Bana). Qua đó giúp bà con có điều kiện gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa từ những bài chiêng, goong, chinh tốc...
Nghệ nhân Đinh Văn Trai ở thôn 1, xã An Toàn, cho biết: Nhạc cụ truyền thống của đồng bào Bana khá phong phú song cồng chiêng vẫn là một biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý. Từ sâu thẳm tâm hồn của người Bana, tiếng cồng chiêng đã thấm vào máu thịt của từng người dân từ lúc sinh ra cho đến lúc về cõi vĩnh hằng!
Nghệ nhân Đinh Văn Trai, một trong số ít người ở thôn 1, xã An Toàn chơi thạo các nhạc cụ dân tộc Bana. Ảnh: AN NHIÊN
Để duy trì, bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng, từ năm 2016, thôn 1, xã An Toàn đã thành lập CLB cồng chiêng và đến nay đã có 20 thành viên. Từ khi có CLB, phong trào văn nghệ ở thôn khởi sắc hẳn. Nhất là mỗi khi có lễ hội hay sự kiện lớn của làng, tiếng cồng chiêng khiến cuộc sống tươi vui hơn, lòng người phấn chấn hẳn.
Xác định giá trị to lớn của di sản văn hóa phi vật thể đối với cuộc sống tinh thần của người dân, huyện An Lão luôn ý thức gìn giữ và ra sức bảo tồn, phát huy. Ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống”, tức là bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Có chính sách, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn những di sản văn hóa phi vật thể.
AN NHIÊN