TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ NGƯỜI CHĂN NUÔI:
Ðảm bảo tái đàn, phục vụ thị trường dịp cuối năm
Nhằm tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” - dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh gia súc gia cầm bùng phát sẽ ảnh lớn tới ngành chăn nuôi và cả nền kinh tế, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đẩy nhanh tiêm phòng, tích cực hỗ trợ người chăn nuôi chăm sóc vật nuôi.
Đầu năm 2021, bệnh lở mồm long móng gia súc đã xảy ra cục bộ tại 5 hộ chăn nuôi của 2 xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) và Phước Thuận (huyện Tuy Phước); số gia súc mắc bệnh là 25 con. Ngành Thú y tập trung khoanh vùng xử lý, tiêu hủy 2 con heo bệnh, điều trị cho 23 con bò mắc bệnh. Nhờ vậy, tỉnh sớm khống chế dịch lở mồm long móng, đến nay chưa phát hiện ở các địa phương khác.
Lực lượng Thú y TX An Nhơn hỗ trợ người dân tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn vịt. Ảnh: PHẠM TIẾN SỸ
Tháng 1.2021, bệnh dịch tả heo châu Phi trở lại với ổ dịch ở TX Hoài Nhơn, sau đó là huyện Tuy Phước (tháng 2.2021), Hoài Ân (tháng 6.2021). Với kinh nghiệm từ đợt chống dịch trước đó, tỉnh ta đã triệt để khoanh vùng và khống chế các ổ dịch, nên từ tháng 6.2021 đến nay không ghi nhận ổ dịch nào mới.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở tỉnh ta đến nay về cơ bản đã được khống chế. Hiện, mối lo về dịch bệnh ở đàn vật nuôi tập trung vào 2 loại bệnh mới là dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc và chủng cúm gia cầm chủng mới A/H5N8 đang lan nhanh ở các tỉnh phía Bắc, ở tỉnh ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh nào.
“Dịch tả heo châu Phi đã được khống chế, thời điểm này là lúc người dân tái đàn để phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Ðể đảm bảo an toàn chăn nuôi, huyện triển khai tiêm vắc xin đợt 2 vào tháng 10.2021; đồng thời hướng dẫn người dân tái đàn thận trọng. Hoài Ân sẽ phấn đấu nâng tổng đàn heo trên địa bàn tăng đến cuối năm 2021 lên mức 285 nghìn con”.
Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân
“Sau đợt dịch tả heo châu Phi vào tháng 6.2021, đến nay gia đình tôi đã gầy đàn trở lại. Ðể chủ động heo giống, tôi nuôi 6 con heo nái và 15 con heo thịt bán dịp Tết”.
Chị Nguyễn Hồng Lựu, ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân
Dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở Bình Định vào cuối tháng 4.2021 từ đàn bò của một hộ dân ở thôn Phú Trung, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Tính đến cuối tháng 8.2021, dịch bệnh đã xuất hiện và gây thiệt hại cho 12.207 hộ dân; tổng số trâu bò mắc bệnh 21.368 con (6,78% tổng đàn), trong đó đã điều trị khỏi bệnh 17.989 con; số mắc bệnh, chết đã xử lý tiêu hủy là 3.347 con. Đến ngày 25.8.2021, tỉnh ta cơ bản khống chế được dịch bệnh viêm da nổi cục, đã hoàn tất thủ tục đề nghị UBND tỉnh xem xét công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thú y.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dù tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, song không thể chủ quan, đặc biệt là dịch bệnh viêm da nổi cục và cúm gia cầm A/H5N8 với nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài là rất cao. Do đó, ngành Thú y khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ động các phương án để tầm soát, khoanh vùng dịch trong trường hợp ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm phòng đợt 2 năm 2021 trên toàn tỉnh.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2021, ngành chăn nuôi trong tỉnh vẫn phát triển tương đối khá. Tổng đàn bò có hơn 295.700 con, tăng 1,2%; đàn heo gần 647.600 con, tăng 1,6% và đàn gia cầm hơn 8,489 triệu con, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với công tác tiêm phòng, ngành Nông nghiệp đang vận động người chăn nuôi tái đàn gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành Nông nghiệp tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, phục vụ tết Nguyên đán. Đồng thời chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý chăn nuôi, kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán sản phẩm chăn nuôi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tái đàn bò sau khi khống chế được dịch bệnh viêm da nổi cục.
THU DỊU