Dạy và học trực tiếp: Vừa ổn định nền nếp, vừa phòng dịch an toàn
Giữ nguyên số học sinh mỗi lớp, tổ chức dạy học trực tiếp, mỗi ngày chỉ học 1 buổi, mỗi tuần học 5 - 6 buổi… là phương án được hầu hết các trường lựa chọn cho năm học mới trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp và khó lường.
Tranh thủ thời gian “vàng” dạy học trực tiếp
Giờ học buổi sáng 21.9 của cô trò lớp 1A2 Trường Tiểu học thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) diễn ra hoàn toàn trong khuôn viên lớp học. Sau giờ học tiếng Việt, cô giáo chủ nhiệm lớp Phan Thị Hồng Phương tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn học sinh chuẩn bị sách giáo khoa, vở và dụng cụ học tập của môn học tiếp theo để giáo viên khác lên lớp. “Trước đây, học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới phải học 2 buổi, sáng 4 tiết - chiều 2 tiết. Năm học này, nội dung chương trình tinh giản, đi vào cốt lõi, gói lại còn 1 buổi (5 tiết), vì vậy cả cô và trò đều phải cố gắng”, cô giáo Hồng Phương chia sẻ.
Giờ học buổi sáng 21.9 của cô và trò lớp 1A2 Trường Tiểu học thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh). Ảnh: T. HIỀN
Trường Tiểu học thị trấn Vân Canh có gần 800 học sinh, ngày 20.9 toàn bộ thầy và trò trở lại trường sau kỳ nghỉ hè kéo dài. Với 25 lớp học, nhà trường bố trí cho học sinh học 2 ca (sáng và chiều). Phó Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay, trường tranh thủ thời gian “vàng” tổ chức học trực tiếp, dạy nội dung cốt lõi các môn bắt buộc. Học sinh các khối lớp 4, lớp 5 thì số tiết học nhiều hơn (6 tiết học/buổi), đảm bảo 29 tiết/tuần. Với học sinh lớp 1, lớp 2 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi bố trí học 5 tiết/buổi, đảm bảo 25 tiết/tuần.
Đến ngày 20.9, tất cả trường học trên địa bàn Vân Canh đều đã đón học sinh đến trường học trực tiếp. Theo Phòng GD&ĐT huyện, ngày học đầu tiên diễn ra an toàn. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phạm Minh Chấn cho hay, các trường tranh thủ thời gian “vàng” dạy - học trực tiếp 5 - 6 buổi/tuần để chuyển tải đến học sinh những kiến thức cơ bản. Phòng cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng chương trình hợp lý, lựa chọn những môn học đòi hỏi sự tương tác lớn giữa giáo viên và học sinh, kiến thức cốt lõi.
Hiện, các huyện miền núi, huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân đã cho học sinh đến trường học trực tiếp. Theo các giáo viên, đối với bậc tiểu học, số lượng 25 tiết/tuần đã cơ bản đáp ứng chuẩn kiến thức trong chương trình; riêng ở lớp 1, lớp 2 tập trung củng cố các môn Toán, Tiếng Việt cho học sinh. Còn với các trường THCS, THPT, việc xây dựng chương trình dạy học, thời khóa biểu cũng được thực hiện linh hoạt để giúp học sinh tiếp cận những kiến thức cần thiết ở các môn học; giao bài tập về nhà cho học sinh để bổ trợ kiến thức.
Siết chặt công tác phòng dịch
Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, yếu tố đầu tiên là thực hiện tốt nguyên tắc phòng dịch và quy tắc 5K. Học sinh được bố trí lệch giờ vào học và ra về, phân luồng vào lớp, nghỉ giải lao giữa giờ ngay tại lớp, không tổ chức hoạt động tập trung, ngoại khóa, bán trú… Bà Trần Thị Mỹ Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vân Canh, cho biết: Để phân luồng, đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng dịch, cán bộ, giáo viên đã chia ca, đến trường sớm hơn 30 phút so với trước đây. Nhà trường cũng lắp đặt toàn bộ bồn rửa tay trước mỗi lớp học, trang bị thêm máy đo thân nhiệt.
Tại huyện An Lão, sau các trường THPT, THCS, tiểu học, sáng 20.9, 10 trường mầm non, mẫu giáo cũng đã đón trẻ trở lại. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện thông tin, Phòng đã họp các trường để thống nhất phương án dạy học 2 ca/ngày, không tổ chức bán trú. Mỗi buổi học đều phải có 2 giáo viên cùng phụ trách. Tại Trường Mầm non An Hòa, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhà trường đón trẻ tại cổng trường và thực hiện đúng quy định về giãn cách theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Trường thực hiện trả trẻ tại cổng trường, chia lệch thời gian trả trẻ vào 3 khung giờ. Ngày đầu tiên, tỷ lệ trẻ đến lớp đạt hơn 80%. “Cũng có những khó khăn nhất định nhưng qua ngày đầu tiên trẻ đến trường, phụ huynh đã ủng hộ và công tác giảng dạy của trường bước đầu đi vào nề nếp”, bà Thái Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
THU HIỀN