Cục Hải quan Bình Định: Quản lý tốt, thông quan nhanh
Năm 2021, Cục Hải quan Bình Định có nhiều nỗ lực tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hàng hóa thông quan nhanh, đảm bảo thu ngân sách nhà nước.
Hiện đại hóa thủ tục hải quan
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, bên cạnh việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động và cơ chế một cửa quốc gia VNACSS/VCIS, Cục Hải quan Bình Định (HQBĐ) thực hiện đo thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu và triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại các cảng, kho bãi của Công ty CP Cảng Quy Nhơn và Công ty CP Tân cảng Miền Trung, nên việc tiếp nhận, thực hiện tờ khai và theo dõi hàng hóa được thực hiện nhanh, chính xác. Việc làm này không những giảm áp lực cho ngành Hải quan, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực Hải quan mà còn rút ngắn thời gian thông quan, giảm thiểu giấy tờ, hồ sơ thủ tục hải quan, khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cổng, kho bãi, góp phần giảm chi phí cho DN, đồng thời tăng tính minh bạch trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan của ngành Hải quan đã được nhiều DN đánh giá cao. Là lãnh đạo DN thường xuyên thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu các mặt hàng phân bón, ông Phạm Phú Hưng, Giám đốc Công ty CP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định, cho biết: Hiện nay, việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa đều đã thực hiện bằng máy tính hoặc điện thoại di động rất nhanh và thuận lợi. Thông qua hệ thống VNACSS của ngành Hải quan, chúng tôi còn có thể giám sát được hàng hóa, thời gian ra vào của lô hàng từ hệ thống giám sát hải quan tự động, nên đã tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại, trao đổi trực tiếp, việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử cũng là giải pháp tốt nhằm đảm bảo an toàn cho DN và ngành Hải quan.
Thu ngân sách năm 2021: Về đích sớm
Năm 2021 Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho Cục Hải quan Bình Định là 860 tỷ đồng (trong đó địa bàn tỉnh Bình Định là 790 tỷ đồng và tỉnh Phú Yên là 70 tỷ đồng). Nhằm đảm bảo mục tiêu thu ngân sách, Cục HQBĐ đã đánh giá tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn quản lý để xác định các nguồn thu. Rà soát tình hình nợ thuế, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết theo từng DN, tờ khai, tình trạng nợ thuế và nguyên nhân chưa thu hồi nợ, từ đó có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra đánh giá những rủi ro về công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan, kịp thời phát hiện các sai sót, chấn chỉnh và xử lý đối với công chức, lãnh đạo và bộ phận có liên quan thực hiện không đúng quy định. Cục HQBĐ còn tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, công tác quản lý rủi ro đối với những mặt hàng, DN có rủi ro cao hoặc DN có dấu hiệu vi phạm.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục HQBĐ khuy ến khích và hướng dẫn các DN thực hiện Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu, nộp thuế điện tử 24/7, điều kiện thuận lợi để các DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Ông Nguyễn Trung Phong, Phó Cục trưởng Cục HQBĐ, cho biết: Với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đến ngày 15.9.2021, Cục HQBĐ đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 với số tiền 1.078,764 tỷ đồng, đạt 125,4% chỉ tiêu dự toán Bộ Tài chính giao, trong đó, tại địa bàn tỉnh Bình Định thu được 1.015,775 tỷ đồng, đạt 128,6%. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực đổi mới để nâng cao hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu phát triển sản xuất kinh doanh. DN hoạt động hiệu quả, việc thực hiện dự toán thu ngân sách cũng sẽ tốt hơn”.
PHẠM TIẾN SỸ