ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ PHÒNG, CHỐNG DỊCH:
Cần đồng bộ, đơn giản, dễ dùng
Thời gian qua, việc tỉnh ta tích cực ứng dụng công nghệ giúp công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy những ứng dụng na ná nhau gây không ít trở ngại cho người dân và cơ quan quản lý.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, để chủ động tấn công dịch bệnh, Sở TT&TT và Sở Y tế đã triển khai 3 ứng dụng khai báo y tế toàn dân, gồm: Ứng dụng Bluezone và ứng dụng NCOVI để người dân khai báo y tế tự nguyện và cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày; riêng ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn dùng cho người cách ly y tế hoặc giám sát y tế khai báo bắt buộc.
Trong đợt dịch lần thứ 4, nhằm đáp ứng nhanh công tác truy vết phòng, chống dịch, tính năng khai báo y tế bằng quét mã QR được tích hợp trong các ứng dụng Bluezone, NCOVI, VHD; đồng thời việc liên thông dữ liệu giữa 3 ứng dụng đã hỗ trợ công tác quản lý khá nhiều. Từ việc khai báo nhanh bằng quét mã QR, nhiều trường hợp F0 đã được kịp thời phát hiện và bóc tách ra khỏi cộng đồng.
Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đang hỗ trợ tỉnh triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc lớn nhất trong lịch sử cho người dân toàn tỉnh. - Trong ảnh: Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các đối tượng trên địa bàn huyện Phù Cát. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Từ tháng 8, tỉnh triển khai 3 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch bắt buộc dùng chung toàn quốc gồm: Khai báo y tế, trả kết quả xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin. Các nền tảng là cơ sở để cùng với toàn quốc, tỉnh triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin kết hợp xét nghiệm lớn nhất trong lịch sử trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, tiến tới khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài các nền tảng chung, Sở TT&TT còn triển khai các ứng dụng riêng như: Bản đồ dịch tễ Covid-19 tỉnh Bình Định giúp người dân không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Hay Hệ thống kiểm soát y tế người đến được triển khai tại các chốt kiểm dịch đã hỗ trợ hiệu quả trong việc kiểm soát, truy vết công dân nghi nhiễm F0, F1, F2... Từ những kết quả trên cho thấy, công nghệ đóng vai trò rất tích cực trong cuộc chiến chống dịch.
Đã cài đặt ứng dụng Bluezone, nhưng khi đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, anh Lê Văn Quân (TP Quy Nhơn) được yêu cầu khai báo y tế bằng ứng dụng VHD. Do đường truyền mạng không ổn định lại có đông người đến giao dịch, anh Quân mất gần nửa giờ mới tải và khai báo xong. “Lẽ ra chỉ mất chưa tới 1 phút để khai báo, giờ mất gần 30 phút. Chỉ một việc khai báo y tế mà có quá nhiều ứng dụng. Nào là Bluezone, VHD, tokhaiyte.vn, Sổ sức khỏe điện tử... Mỗi nơi yêu cầu một ứng dụng, rất phiền toái”, anh Quân phàn nàn. Trong khi đó, không ít người dù đã tiêm chủng, làm xét nghiệm SARS-CoV-2, do cập nhật dữ liệu chưa tốt trên các ứng dụng mà họ đã khai báo như: Bluezone, sổ sức khỏe điện tử... vẫn hiển thị là chưa tiêm, chưa có lịch sử xét nghiệm.
Ông Nguyễn Thành Long, tình nguyện viên tại chốt kiểm soát dịch trên tuyến QL 1D (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Do dữ liệu giữa các ứng dụng phòng, chống dịch chưa thống nhất, việc mỗi nơi lại áp dụng một ứng dụng khiến công dân khi khai báo y tế điện tử buộc phải tải thêm ứng dụng, nhập liệu… mất khá nhiều thời gian. Bản thân chúng tôi cũng mất thời gian để hướng dẫn họ. Theo tôi, trong khi chờ có “siêu” ứng dụng tích hợp đầy đủ các tính năng từ nhiều ứng dụng riêng rẽ, cơ quan chức năng nên tạo cầu nối để đồng bộ dữ liệu, gộp các nguồn dữ liệu về một cơ sở thống nhất từ Trung ương xuống tới cơ sở. Làm được như vậy không chỉ sẽ dễ theo dõi, quản lý mà còn phát huy giá trị rất lớn từ cơ sở dữ liệu này”.
Trên thực tế, Bộ TT&TT, Bộ Y tế và Bộ CA đã thống nhất sử dụng chung một mẫu Tờ khai y tế, một mã QR sử dụng chung liên thông giữa các ứng dụng khai báo y tế. Theo đó, khi người dân khai báo bằng mã QR dù qua ứng dụng Bluezone, NCOVI hay VHD đều sinh ra một mã QR duy nhất. Tất cả dữ liệu khai báo qua các ứng dụng sẽ được kết nối liên thông, cập nhật vào kho dữ liệu phục vụ công tác phân tích, truy vết. Tuy nhiên, việc liên thông mới được triển khai trong thời gian ngắn, lại có quy mô áp dụng rộng trên toàn quốc, việc xảy ra một số lỗi hay trục trặc trong quá trình sử dụng là không tránh khỏi.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ TT&TT, thực hiện việc thống nhất một ứng dụng trong phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: “Bộ TT&TT đã có hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân mới phiên bản 1.1 thống nhất toàn quốc, được sử dụng trong việc xây dựng một ứng dụng chung phòng, chống dịch. Sở TT&TT đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết sẵn sàng triển khai khi có văn bản chính thức của Bộ TT&TT”.
HỒNG HÀ