Đừng để “nhờn luật”
Giữa lúc cả nước đang tập trung chống dịch Covid-19, không ít người vì mối lợi trước mắt đã gây nên hiểm họa cho sức khỏe cộng đồng. Điều đáng lên án là không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng đã tiếp tay cho việc quảng cáo, tiêu thụ thuốc giả, sản phẩm không có giá trị điều trị bệnh Covid-19.
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều địa phương, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình này đã tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm có tác dụng kháng vi rút, kháng Covid-19, kháng viêm, phòng chống được bệnh Covid-19… “Một số người thân của tôi tin theo lời quảng cáo trên mạng, mua thuốc về tự điều trị, nhất là người bị bệnh gan, tiểu đường. Có uống suốt mấy tháng liền, bệnh tiểu đường không giảm mà còn nặng thêm. Với các thuốc quảng cáo điều trị được Covid-19, nếu không quản lý chặt thì càng gây tác hại, ảnh hưởng đến kết quả chống dịch”, ông T.V.T (ở huyện Phù Cát) bày tỏ.
Tình trạng thuốc giả, thuốc được quảng cáo chữa khỏi Covid-19 trên mạng xã hội gây hoang mang trong cộng đồng.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngay từ đợt dịch đầu tiên cho đến đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4, đơn vị này đã liên tục có các cảnh báo không có loại thực phẩm chức năng nào (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị Covid-19. Đồng thời, đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo sai quy định.
Liên quan đến vấn đề này, đáng chú ý có tình trạng một số cá nhân, nhất là nghệ sĩ nổi tiếng lên mạng xã hội quảng cáo cho một số loại thuốc điều trị Covid-19, gây hoang mang dư luận. Điển hình, diễn viên P.T liên tục gây tranh cãi khi chia sẻ các bài viết sưu tầm về công dụng của giun đất trong điều trị Covid-19. Sau đó, thực hiện yêu cầu của Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, diễn viên P.T đã gỡ các bài đăng liên quan đến việc lan truyền thông tin giun đất chữa Covid-19 trên mạng xã hội nữ diễn viên thừa nhận cô đã sai và rút kinh nghiệm.
Theo luật sư Lê Hoài Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), pháp luật hiện hành có các điều luật rất rõ ràng, cụ thể để xử lý các hành vi sản xuất, lưu hành thuốc giả; quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đúng quy định. Trong đó, đáng chú ý là Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Quảng cáo 2018...
Điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. “Hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm và hình thức xử lý cần được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; một mặt tăng cường tính răn đe chung, mặt khác giúp người dân có thông tin chính xác, tránh tiền mất tật mang”, luật sư Lê Hoài Sơn nhấn mạnh.
Sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ
Sau một thời gian khá dài điều trị bệnh nhân Covid-19, nhiều bác sĩ cảnh báo người dân không nên săn lùng, sử dụng các loại thuốc rao bán trên mạng xã hội. Cơ địa của từng người khác nhau, mức độ phát bệnh khác nhau, việc sử dụng thuốc nào, liều lượng bao nhiêu phải theo chỉ định của người có chuyên môn.
Điển hình, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nếu dùng thuốc kháng viêm corticoid rất nguy hiểm, có thể tử vong do rối loạn đường huyết nếu không được kiểm soát liều lượng. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc kháng đông, nhất là với các bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị ở nhà phải hết sức cẩn trọng với nguy cơ gây rối loạn đông máu.
KHẢI THƯ