Chiếc thiết giáp M-113
Chiếc thiết giáp M-113 đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là phương tiện chiến tranh mà quân đội Sài Gòn từng sử dụng trên chiến trường Bình Định (ảnh). Chiếc thiết giáp này do Tiểu đoàn 51 lực lượng vũ trang Bình Định bắt sống tại Phú Hòa (Quy Nhơn) trong đợt tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, sau đó sử dụng để truy kích tàn quân Sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn trên đường tháo chạy ra biển, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh giải phóng Quy Nhơn - Bình Định ngày 31.3.1975.
Bị thua liên tiếp ở chiến trường Tây Nguyên trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ngày 31.3.1975, quân đội Sài Gòn tháo chạy về Quy Nhơn để tẩu thoát bằng đường biển; trong đó, số đông thuộc biên chế Sư đoàn 22 và nhiều liên đoàn bảo an mở đường máu thoát thân từ Tây Nguyên xuống Quy Nhơn với dự tính tập kết ở bãi biển Khu 2 sau đó lên tàu ra biển.
Biết được ý đồ của địch, quân giải phóng bố trí Tiểu đoàn 50 và 51 chặn đánh địch ở chợ Dinh, buộc chúng di chuyển theo hướng từ cầu Sông Ngang về Ghềnh Ráng theo đường Tây Sơn. Trên hướng di chuyển này, một lần nữa địch bị Tiểu đoàn 50 vây đánh, phải co cụm chống đỡ.
Quyết không cho địch thoát thân, Tiểu đoàn 51 tiếp tục truy kích, chia cắt đội hình địch thành từng mảng từ Phú Hòa đến ao cá Bác Hồ. Bị bao vây tứ phía, địch hoảng loạn tháo chạy và ra hàng, Tiểu đoàn 51 thu được hai xe thiết giáp M-113, rồi dùng hai xe này truy kích địch, trên xe có treo hai chiếc dù làm ám hiệu là xe của quân giải phóng và dồn địch vào nghĩa trang Công giáo.
Trong trận đánh này, Tiểu đoàn 50, 51 đã tiêu diệt 200 quân địch và bắt sống 300 tên. Ngày 4.4.1975, Tiểu đoàn 51 đã đưa hai chiếc thiết giáp kể trên về Tỉnh đội để lưu giữ. Đến tháng 1.1980, Tỉnh đội đã giao lại một chiếc thiết giáp M-113 cho Bảo tàng tỉnh Nghĩa Bình trưng bày.
NGỌC NHUẬN