Phân cấp, phân quyền hiệu quả, thực chất
Phân cấp, phân quyền hợp lý, thực chất sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Thống nhất, cụ thể
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện, xã tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Các lĩnh vực đã tập trung phân cấp là quản lý ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, xây dựng, thủ tục hành chính... Trong quá trình thực hiện phân cấp, đã hạn chế hình thức ban hành văn bản chấp thuận hoặc cho ý kiến đối với những vấn đề đã phân cấp; chỉ thực hiện thẩm tra, thẩm định để kiểm soát, bảo đảm tính thống nhất về chất lượng, hiệu quả trong quản lý và tránh thất thoát lãng phí.
Kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 tại phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) chiều 21.9, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (giữa) yêu cầu cán bộ phường cần tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, sâu sát địa bàn. Ảnh: M.L
Nhờ đó, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến cấp xã tiếp tục được rà soát, loại bỏ chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống lĩnh vực quản lý, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và phù hợp với nội dung đã phân cấp.
Việc phân cấp, phân quyền có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong các quyết định áp dụng các biện pháp thực hiện giãn cách để triển khai các biện pháp chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh đều giao cho chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có thể áp dụng các biện pháp cao hơn ở những địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp chống dịch mạnh mẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Thời gian gần đây, có thể thấy ngày càng có nhiều hơn các quyết định phong tỏa một số khu dân cư do chủ tịch UBND cấp xã ban hành để chống dịch.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, nhiều lần lưu ý TP Quy Nhơn phải triển khai công tác phòng, chống dịch hợp lý hơn, nhất là trong việc phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm. Theo đó, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch phải tập trung từ tỉnh, thành phố đến cấp xã.
“Phòng dịch tốn 1 triệu nhưng chống dịch tốn phải chục triệu. Để phòng dịch hiệu quả thì vai trò của cấp cơ sở là quan trọng nhất, theo đúng mục tiêu “mỗi xã, phường là một pháo đài”. Ở từng xã, phường cũng phải phân công, phân nhiệm rõ ràng, phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chứ coi phòng dịch là việc của thành phố thì rất nguy hiểm”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình phân cấp, phân quyền cần lưu ý phải đảm bảo tính thống nhất đối với những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, hoạt động của DN. Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh Dũng cho biết, từ phản ánh của người dân và kiểm tra thực tế cho thấy khâu kiểm soát dịch tại chốt cổng chào UBND huyện An Lão có thời điểm chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dân, DN. Trên cơ sở đó, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương không được ban hành quy định kiểm soát dịch trái với các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành và UBND tỉnh, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Trường hợp các địa phương đã ban hành văn bản thì phải kiểm tra, rà soát điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo
Phân cấp, phân quyền tiếp tục là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây.
Về nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành ngày 15.7 nhấn mạnh giải pháp “tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước”.
Cụ thể là rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; phân cấp giữa các cấp ở địa phương. Ban hành cơ chế, chính sách kiểm soát quyền lực chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân cấp. Triển khai các biện pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp.
Về cải cách thủ tục hành chính, cần đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.
Ngày 2.9, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Yêu cầu quan trọng đặt ra là tập trung triển khai có hiệu quả và hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt trong thời gian qua.
Trong đó, đẩy mạnh và hoàn thiện thể chế, cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, nhất là người đứng đầu.
Chương trình hành động về “Cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025” do Tỉnh ủy ban hành cũng nhấn mạnh “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành”.
MAI LÂM