Thắt chặt biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp
Trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) đã ghi nhận nhiều ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch vào các DN trong khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Cao Thanh Thương, Phó Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, về các biện pháp phòng, chống dịch tại 2 khu công nghiệp này.
● Để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các DN trong các khu công nghiệp, xin ông cho biết Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã triển khai biện pháp gì?
- Trước tình hình dịch bệnh ở 2 phường Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu diễn biến phức tạp, Ban đã rà soát lại kế hoạch, phương án và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là phương án xử lý khi có ca F0 trong DN. Theo đó, ngay khi phát hiện có ca F0 trong nhà máy, xưởng sản xuất, yêu cầu DN tạm dừng hoạt động, khoanh vùng, xét nghiệm tầm soát cho 100% người lao động đang làm việc tại từng phân xưởng, xí nghiệp.
Để nâng cao ý thức của người lao động trong phòng, chống dịch, Ban đã sử dụng một xe loa lưu động thường xuyên tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài nhà máy. Yêu cầu chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tăng cường kiểm tra các tài xế, đối tác, khách hàng, khi ra/vào KCN phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong thời gian 72 giờ. Đồng thời tuần tra, xử lý các trường hợp người dân buôn bán hàng rong trong KCN...
● Việc nắm rõ thông tin cụ thể của từng công nhân đang làm việc tại từng DN là yêu cầu bắt buộc. Công tác này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Theo yêu cầu của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các chủ DN đã rà soát, nắm chắc danh sách người lao động đang làm việc tại DN, có địa chỉ thường trú đến từng thôn, khu phố, xã, phường, thị trấn. Hiện Ban cũng đã có danh sách, thông tin người lao động đang làm việc tại từng DN trong các KCN và đã chuyển cho các địa phương để phối hợp phục vụ truy vết khi cần thiết.
Theo danh sách được các DN xác lập, tại KCN Phú Tài có 87 DN đang hoạt động với hơn 12.400 lao động; KCN Long Mỹ có 17 DN hoạt động với hơn 2.000 lao động.
● Phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” để phòng, chống dịch đã được các DN này thực hiện ra sao?
- Qua kiểm tra tại KCN Phú Tài và Long Mỹ, hiện chỉ có 4 DN thực hiện được phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” với hơn 230 lao động.
Chế biến đồ gỗ tại một DN trong Khu công nghiệp Phú Tài. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Việc tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” rất khó khăn đối với các DN, do hầu hết các DN có quy mô vừa và nhỏ, nhà xưởng chật hẹp, xây dựng thiếu đồng bộ, không bài bản. Người lao động chủ yếu ở quanh KCN, hết thời gian lao động tại nhà máy thì về nhà, ý thức tổ chức lao động và kỷ luật lao động chưa nghiêm.
Để khắc phục tình trạng này, sáng 22.9, Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã họp thống nhất xây dựng và ban hành các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất và sinh hoạt của DN và người lao động trên địa bàn tỉnh, nhằm khắc phục các khó khăn của DN, tăng cường sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
“Ban đã rà soát lại kế hoạch, phương án và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là phương án xử lý khi có ca F0 trong DN. Theo đó, ngay khi phát hiện có ca F0 trong nhà máy, xưởng sản xuất, yêu cầu DN tạm dừng hoạt động, khoanh vùng, xét nghiệm tầm soát cho 100% người lao động đang làm việc tại từng phân xưởng, xí nghiệp”.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)