Tăng cường tuyên truyền bảo vệ, quản lý động vật hoang dã
Ngày 8.9.2021, UBND tỉnh có văn bản giao Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương thực hiện theo khuyến cáo của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển về việc tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý các hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái pháp luật các loài động vật hoang dã.
Ngày 18.9.2021, Chi Cục Kiểm lâm có văn bản về việc tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT; theo đó hạt kiểm lâm các huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với địa phương, hội, đoàn thể và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tiếp tục tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã tới các cộng đồng dân cư; góp phần nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ động vật hoang dã.
Chi cục Kiểm lâm phối hợp ngành chức năng thả động rừng quý hiếm về môi trường tự nhiên tại xã An Toàn, huyện An Lão vào tháng 9.2020. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thời gian qua nhờ tuyên truyền tốt, nhận thức của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận người dân giao nộp 1 cá thể chồn bạc má tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước); 2 cá thể khỉ mặt đỏ, 1 cá thể rùa sa nhân, 2 cá thể rái cá tại các phường Ghềnh Ráng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú (TP Quy Nhơn). Cuối tháng 8.2021, UBND tỉnh ban hành Phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với 2 cá thể chim công và 1 cá thể vượn đen má trắng do Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định tự nguyện giao nộp Nhà nước. Gần đây nhất đầu tháng 9.2021, Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân tiếp nhận 1 cá thể cu li nhỏ được người dân ở xã Ân Tường Đông giao nộp.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, trên địa bàn tỉnh hiện có 46 cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã được cấp Giấy chứng nhận mã số cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB; động vật hoang dã thuộc Phụ lục II, III CITES, với 2.057 cá thể của 6 loài: cầy hương, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, rắn ráo trâu, công, rùa hộp lưng đen. Cụ thể: An Nhơn 3 cơ sở; Hoài Ân 7 cơ sở; Hoài Nhơn 6 cơ sở; Phù Cát 5 cơ sở; Phù Mỹ 10 cơ sở; Tuy Phước 1 cơ sở; Quy Nhơn 1 cơ sở; Tây Sơn 2 cơ sở; Vân Canh 3 cơ sở; Vĩnh Thạnh 4 cơ sở; An Lão 4 cơ sở.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tiếp tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân gây nuôi động vật hoang dã thực hiện đúng quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn theo quy định. Anh Bùi Văn Hồng, người nuôi cầy vòi hương ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, chia sẻ: Cách đây 6 tháng, tôi mua cầy vòi hương từ một cơ sở nuôi đúng quy định được xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão. Sau đó, tôi được Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn hướng dẫn thủ tục đăng ký để Chi cục Kiểm lâm cấp mã số cơ sở nuôi, đồng thời trong quá trình nuôi đến nay được cán bộ kiểm lâm kiểm tra, nhắc nhở đảm bảo điều kiện nuôi và báo cáo theo quy định.
Chi cục Kiểm lâm cũng sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về săn, bắn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Từ năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển vườn sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương gồm: 1 cá thể tê tê java, 1 cá thể voọc xám, 1 cá thể tê tê vàng; chuyển giao 2 cá thể rái cá thường cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển vườn thú Faros (là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được UBND tỉnh chứng nhận) để gây nuôi bảo tồn, giáo dục môi trường theo quy định.
Chi cục Kiểm lâm cũng đã phối hợp tổ chức thả về rừng tự nhiên 2 cá thể cu li nhỏ, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 3 cá thể khỉ mốc, 1 cá thể khỉ mặt đỏ. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đã tạm bàn giao cho Công ty Faros chăm sóc 1 cá thể khỉ mặt đỏ, 1 cá thể khỉ mốc, 1 cá thể rùa sa nhân, 1 cá thể cu li nhỏ; đến khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tạm ổn, sẽ phối hợp tổ chức thả các cá thể này về rừng tự nhiên.
HOÀI THU