Một tấm lòng nhân ái
Không chỉ là một cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, thầy Nguyễn Thanh Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn) còn là một người thầy giàu lòng nhân ái. Nhiều năm qua, học sinh khó khăn xem thầy là “điểm tựa”, còn người cơ nhỡ trong thôn, xã đã quen tìm đến thầy lúc khốn khó, nguy nan…
Từ ngày 28.6 - thời điểm dịch bệnh xuất hiện tại TX Hoài Nhơn đến nay, xã Hoài Châu Bắc thiết lập và duy trì nhiều chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 trên địa bàn. Thầy Thạch thương các lực lượng bám chốt thường xuyên - bất kể ngày nắng đêm mưa, trong đó có một số học sinh cũ của nhà trường nên đã kêu gọi, vận động đồng nghiệp và một số cựu học sinh thành đạt góp tiền mua nhu yếu phẩm và tổ chức nấu ăn cho chốt, khu cách ly tập trung của xã. Vậy là, cùng với những suất cơm gởi đến từ các thôn, hội, đoàn thể, cá nhân, nhóm, hộ gia đình, các anh em trực chốt còn nhận những suất cơm của thầy cô giáo Trường THPT Lý Tự Trọng. Thầy Hiệu trưởng vận động kinh phí, lên thực đơn, các cô giáo đi chợ, nấu cơm xong, các thầy giáo đem giao cho chốt.
Thầy Thạch (áo trắng) cùng giáo viên trao cơm trường nấu cho lực lượng trực chốt và người dân tại khu cách ly tập trung của xã. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhắc đến những suất cơm của trường, anh Trần Quang Đạt, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) khẳng định ngay “cơm rất ngon, rất chất lượng”. Trên địa bàn xã trước đây có 9 chốt, giờ còn 7 chốt (giảm 2 chốt tự quản), tầm hơn 40 người, cộng với số người cách ly tập trung, bình quân mỗi bữa nhà trường nấu khoảng 150 suất cơm. “Các món ăn đều vừa miệng, nhiều dinh dưỡng, anh em trực chốt rất vui khi đón nhận nhiều tình cảm của cộng đồng, trong đó có thầy cô Trường Lý Tự Trọng. Riêng vợ chồng thầy Thạch còn mua cho anh em thức ăn khuya, lúc thì bún thịt nướng, lúc vịt lộn hay bánh bao kèm ly nước trái cây giải nhiệt”, anh Đạt cho hay.
Theo ông Trần Đình Tý, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, gia đình thầy Thạch luôn quan tâm đến người khó khăn của xã - không chỉ do dịch Covid-19 mà nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng đều được thầy giúp hoặc vận động nguồn lực tiếp sức kịp thời. “Vào những dịp lễ, tết, thầy và gia đình luôn sẵn sàng đóng góp để tặng quà, hỗ trợ người dân”, ông Tý trao đổi.
Chuyện trò với các thầy cô trong trường, ai cũng quý “cái tâm làm từ thiện của thầy Thạch” dù thừa nhận “thầy hơi… kỹ lưỡng”. Chẳng hạn như việc nấu cơm cho chốt, thầy gởi gắm các cô phải nấu ngon bằng hoặc ngon hơn cơm nhà. “Đừng có suy nghĩ thường quy, rằng “đồ từ thiện mà, lỡ có sơ suất tí đỉnh thì cũng không sao”. Thức ăn nấu xong, lúc bỏ vào bì, thầy cũng yêu cầu làm sao cho đẹp mắt, nhìn vào muốn ăn ngay” - cô Lê Thị Hồng Nhân, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Lý Tự Trọng cho biết vậy.
Thầy Phó Hiệu trưởng Huỳnh Tấn Châu “mách” thêm rằng kỹ lưỡng vậy nhưng ai làm việc từ thiện chung với thầy Thạch cũng thấy hào hứng, hài lòng cả. Từng cùng với thầy Thạch vận chuyển những hộp cơm ra chốt, thầy Châu nhớ hoài vẻ hân hoan đón nhận suất cơm của trường, họ ăn xong, phản hồi rằng “muốn có cơm như vậy để ăn nữa”.
“Hiệu quả của công việc từ thiện mà thầy Thạch làm hoặc vận động tập thể nhà trường cùng chung tay, góp sức làm đã thuyết phục tất cả mọi người. Biết chuyện, một vài cựu học sinh thành đạt đã tự nguyện đóng góp vào việc nấu cơm cho chốt, chứ thầy Thạch không kêu gọi”, thầy Châu chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, một vài lần lướt trên không gian mạng, tình cờ đọc được một vài lời cảm ơn thầy Thạch trên facebook một số người quen vì đã đóng góp kinh phí để nấu cơm cho bệnh nhân nghèo của TTYT TX Hoài Nhơn, giúp người này, người nọ, tôi gọi điện hỏi han, thầy bảo, chuyện nhỏ xíu ấy mà, ngoài kia còn có bao nhiêu anh, chị, hội, nhóm hoạt động năng nổ, làm những chuyện lớn lao.
“Chỉ có điều, tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình, của gia đình mình, của tập thể Trường THPT Lý Tự Trọng vào nỗ lực chung của cộng đồng, xã hội, để giúp đỡ người khó khăn, tiếp sức tuyến đầu sớm đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống trở lại bình thường như trước, để học sinh lại tung tăng đến trường…”, thầy Thạch tâm tình.
NGỌC TÚ