Độc đáo vũ đạo tuồng Bình Định
Tuồng là nghệ thuật của sự tổng hòa các yếu tố hát, múa, diễn…Trong đó múa (vũ đạo) đóng vai trò rất quan trọng để nghệ sĩ lột tả tâm trạng, tính cách nhân vật trên sân khấu tuồng một cách sinh động và toàn vẹn nhất.
Qua nhiều thế hệ, các nghệ sĩ tuồng Bình Định chắt lọc từ những động tác sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày của con người và tiếp thu tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, tế lễ, hội hè và võ thuật để xây dựng vũ đạo tuồng theo một hệ thống đầy đủ các sắc thái từ đơn giản đến phức tạp.
Cảnh trong vở tuồng “Đào Tam xuân loạn trào”. Ảnh: T.N
Vũ đạo tuồng là ngôn ngữ độc đáo, có khả năng bổ trợ, làm rõ nội dung lời hát, giúp khán giả vừa nghe vừa nhìn và tự mình có thể khái quát, cảm nhận vẻ đẹp tổng thể của vở diễn. Ngoài ra, múa còn có khả năng bộc lộ tâm trạng nhân vật được sâu sắc, đầy đủ hơn mà lời nói hoặc câu hát không thể diễn tả hết được, góp phần làm cho sân khấu càng trở nên sinh động đối với người xem.
Chẳng hạn, ở lớp “Hoàng Phi Hổ lăn trướng” (tuồng Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan) khi nghe tin vợ mình là Giả Thị đã chết vì bị Trụ Vương làm nhục, nhân vật Hoàng Phi Hổ đã nhảy phóc qua bàn, lấy tay bịt kín miệng thế nữ không cho nói hết câu, sợ thiên hạ nghe được ảnh hưởng đến uy tín vua. Ông đã dùng hai mũi chân hia bê thế nữ vào nhà trong hỏi han cặn kẽ. Khi biết rõ sự tình, Phi Hổ đã dùng động tác xiến, rồi lỉa ngang hia kết hợp với vẻ mặt sửng sốt, đau xót đến tột cùng để vừa bộc lộ tâm trạng bất ngờ, đau đớn bàng hoàng vì nỗi đau mất vợ và nỗi thất vọng trước vị quân vương mà ông nhất mực trung thành.
Ngoài việc góp phần thể hiện tâm trạng, vũ đạo tuồng còn có chức năng khắc họa tính cách nhân vật thêm rõ nét và thể hiện không gian, thời gian trên sân khấu thông qua thủ pháp ước lệ - vốn là đặc trưng quan trọng bậc nhất của nghệ thuật tuồng. Ví dụ như: Thông qua một chiếc mái chèo bằng gỗ trong tay kết hợp với những động tác hình thể chao đảo, bồng bềnh, người nghệ sĩ khiến khán giả cảm nhận được nhân vật đang chèo thuyền qua sông.
Về cơ bản, nam và nữ diễn viên đều sử dụng các động tác vũ đạo tương tự nhưng tùy theo tính cách, hoàn cảnh, tình huống và loại nhân vật sẽ thể hiện mỗi lúc một khác. Riêng bộ chân thì diễn viên nam có khác chút ít so với nữ.
Trong nghệ thuật tuồng có quy tắc “lời đâu bộ đó”, nghĩa là câu hát đi cùng với vũ đạo. Như đã nói ở trên, do tính ước lệ của nghệ thuật rất cao, lời hát và âm nhạc nhiều khi chưa thể chuyển tải hết được nội dung cảm xúc, tâm trạng nhân vật nên cần có thêm hệ thống các động tác vũ đạo - từ tay, chân đến vẻ mặt, ánh mắt và cả đôi vai… Nói cách khác thông qua ngôn ngữ hình thể, người nghệ sĩ truyền đạt một cách toàn diện cùng lúc nhiều thông điệp để khán giả có thể cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của nghệ thuật tuồng.
Ví dụ, khi biểu diễn trích đoạn “Đào Tam Xuân loạn trào”, khi diễn tả nỗi đau đớn tột đỉnh khi cùng một lúc nhận tin báo cả chồng và con cùng qua đời oan khuất, người nghệ sĩ không chỉ vút lên tiếng hát xé lòng mà còn kết hợp một loạt các động tác vũ đạo: Bê - lỉa - lăn… Mười đầu ngón tay rung bần bật, cơ mặt thẫn thờ, bước chân bủn rủn... nhằm thể hiện tâm trạng của người phụ nữ bàng hoàng đau đớn, giận dữ khôn cùng trước nỗi oan khuất.
Không chỉ góp phần thể hiện tâm hồn và tính cách của nhân vật, trong nghệ thuật tuồng nhiều lúc vũ đạo còn tách ra thành một miếng diễn độc lập, có thể thấy được điều này từ các trích đoạn như: Mạnh Lương bắt ngựa, Thủy Định Minh câu cá, Châu Thương cấy râu…
Bên cạnh đó do đặc trưng văn hóa xứ sở, nhờ mượn được nhiều động tác võ thuật nên trong vũ đạo - đặc biệt là ở những miếng diễn độc lập - tuồng Bình Định có vẻ đẹp rất riêng - đẹp mắt, hài hòa, mạnh mẽ và tinh tế, dễ thu hút và hấp dẫn khán giả.
Qua nhiều thế hệ giữ gìn và phát triển, vũ đạo trong nghệ thuật tuồng Bình Định rất đa dạng, phong phú và độc đáo, mang tính quy chuẩn cao, góp phần tạo cho tuồng cách biểu đạt ngôn ngữ riêng, không thể trùng lặp với bất kỳ loại hình sân khấu truyền thống nào.
THỤC NƯƠNG