Thư gửi bác Thạch Sanh!
LTS: Vừa qua, tại Cuộc thi viết thư quốc tế UPU toàn quốc lần thứ 43-2014, em Trần Thị Mỹ Triều, học sinh lớp 9A1, trường THCS Ngô Mây, TP Quy Nhơn vinh dự đoạt Giải khuyến khích của cuộc thi (Báo Bình Định có bài viết), chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bức thư này với bạn đọc.
Quy Nhơn, xuân Giáp Ngọ - 2014
Cháu chào bác Thạch Sanh, xin phép cho cháu gọi tiếng bác thân quen, bởi cháu tin rằng bác đã từ cuộc đời dân Việt mà hóa thân vào cổ tích. Cổ tích ngàn xưa vẫn vấn vương trong nhịp sống hôm nay. Hình ảnh của bác với tiếng đàn mầu nhiệm vẫn sóng bước cùng những mơ ước tương lai.
Hôm nay cánh thư của cháu - cô bé Mỹ Triều, học lớp 9A1, Trường THCS Ngô Mây, Quy Nhơn - gửi đến bác với mong muốn thiết tha được bác mách bảo những điều cháu chưa cảm thấu sâu xa về âm nhạc. Bác ạ, cháu muốn tham gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 43 - 2014 thật tốt. Chủ đề lần này là: “Âm nhạc có thể làm lay động đến đời sống như thế nào?”. Cháu nghĩ ngay đến tiếng đàn của bác, tiếng đàn lay động tình đời, xuyên thấu cả thời gian và không gian để đến với muôn người.
Ngẫm đàn xưa xao xuyến cõi lòng. Thuở mẹ ầu ơ vần thơ: “Đàn kêu tích tịch tình tang”; Thuở bà nhẹ nhàng kể chuyện dũng sĩ gảy đàn lui quân xâm lược; khi cô giáo ngân nga bài giảng Thiện - Ác phân tranh, lúc chúng bạn thi nhau bàn luật nhân quả... Bây giờ thấm thía, sẻ chia...
Phải chăng âm nhạc bắt nguồn từ bản hòa ca giao thoa giữa vũ trụ thiên nhiên với con người lao động chân chất mà lãng mạn tâm hồn nghệ sĩ tài hoa. Cây đàn hoài thai từ sóng trắng biển xanh, mỗi dây cung là tiếng gió căng mình cùng cánh buồm rướn thân phăng hướng xa khơi, mỗi phím nhạc là vũ điệu thần tiên của bao nàng cá đa tình uốn lượn dưới nắng nhẹ trời trong. Chốn thủy phủ đẹp như mơ, nơi vua Thủy Tề tặng vật tri ân, bác chẳng ham ngọc ngà châu báu, tâm hồn nghệ sĩ của người con núi rừng, trái tim chàng trai đốn củi của đất mẹ Âu Cơ rung động với hơi đàn diệu vợi của cung nước Lang Quân. Bác ơi, cây đàn của bác hội tụ cả linh khí ĐẤT TRỜI lẫn hồn thiêng TIÊN TỔ, quấn quyện cả vạn vật sinh sôi lẫn tình người ơn nước.
Cây đàn thần của bác chứng tỏ rằng âm nhạc có nguồn gốc cao quý vô ngần mà xiết bao gần gũi. Cho nên, sức lay động âm nhạc trong đời sống lớn lao nhường nào.
Tích... tịch... tình tang... Những giai điệu xanh màu hy vọng, ấm áp nắng vàng. Giữa chốn ngục tù đìu hiu quạnh quẽ, tiếng đàn ai khẽ ngân lời oan thán cho phai nỗi chua xót muộn phiền. Trôi theo tiếng đàn, lòng người rũ sạch niềm u uất để giữ vẹn niềm tin đợi chờ ngày nắng mới.
Tích... tịch... tình... tang... Những giai điệu sáng ngời sức mạnh đấu tranh quyết đòi công lý. Mưu ma chước quỷ, Lý Thông cũng không trốn được những giai điệu réo gọi vạch trần tội lỗi tàn ác ai tha.
Tích... tịch... tình tang... Những điệu ái tình trai thanh gái lịch. Nàng công chúa hôm nao giã từ chuỗi tháng ngày lặng yên không nói, bừng dâng trong trái tim rạo rực những cảm xúc ngọt ngào đón chờ thời khắc được giao duyên kết lứa.
Tích... tịch... tình... tang... Những nốt nhạc đong đầy tinh túy thiện lương, chan chứa khát vọng hòa bình. Hùng hổ quân binh mười tám nước xâm lược bỗng tràn ngập nỗi nhớ nhà thương vợ, sợ cảnh binh đao khói lửa mà đầu hàng lui quân cho dân Việt an ổn sinh tồn.
Diệu kỳ thay, tiếng đàn Thạch Sanh - tiếng đàn xưa... tiếng đàn nay... Những tiếng tơ lòng cùng một điệu hồn dân tộc. Những câu hát si, hát lượn, những làn điệu hát xoan, quan họ, bài chòi, bài thai, cải lương..., những tiếng kèn, đàn then, đàn bầu... những bản tình ca bất tận. Người Việt mê ca hát, đâu đâu cũng có âm nhạc làm bạn, chia sẻ mọi buồn vui, thương nhớ, giận hờn... Dân ta anh hùng, thời nào cũng có những bản hùng ca hào hùng hào sảng của trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, trống trận Mê Linh, Tây Sơn,... Đất mẹ Việt Nam 4000 năm sừng sững chỉ đâu rộng dài với núi xanh sông tím mà còn bao la với biển đảo trập trùng. Âm nhạc như phù sa bồi tụ cho dải đất kiên cường bất tử. Âm nhạc dưỡng nuôi lớp lớp thế hệ lạc Hồng khát khao quốc thái dân an. Vượt trên vòng xoáy của thời gian, âm nhạc gắn kết người xưa và người nay, truyền lửa yêu thương từ thuở cha ông cho con cháu mai sau.
Bác Thạch Sanh ạ, khi xưa, tiếng đàn thần của bác hồn hậu kết giao mười tám nước thân tình, ngày nay bản trường ca Việt Nam cũng hòa chung vào dàn hợp xướng hội nhập quốc tế để sánh vai cùng bè bạn bốn bể năm châu trong giai điệu HÒA BÌNH - ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN. Tiếng đàn Thạch Sanh, tiếng đàn Việt Nam du dương cùng điệu đàn piano của Sô-panh, Ba Lan, ngân nga cùng giai điệu ghi-ta Tây Ban Nha,... Bao lớp người Việt ta như giáo sư Trần văn Khê, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn... đã nhẫn nại đem âm nhạc dân tộc góp mặt vào nền âm nhạc thế giới để những giai điệu tuyệt vời mãi mãi lay động đời sống.
Giờ đây, chắc hẳn thiếu nhi nơi mọi miền Thế Giới cũng đem vào cánh thư UPU niềm tự hào về những nét đẹp riêng của âm nhạc quê hương, xứ sở mình. Cháu càng nóng lòng mong bác giúp cháu viết nên những dòng thư tôn vinh âm nhạc và văn hóa dân tộc ta, góp phần làm giàu thêm vẻ đẹp và sức mạnh lay động của nền âm nhạc nhân loại.
Kính thư
Mỹ Triều