Trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chí FSC: Khi doanh nghiệp chủ động liên kết với dân
Vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho phép Công ty TNHH Lâm nghiệp Thiện Hoàng liên kết với hộ dân các xã Mỹ Châu, Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) thực hiện dự án “Phát triển chuỗi giá trị trồng rừng gỗ lớn bền vững theo tiêu chí FSC, dựa trên mô hình nhóm liên kết nhằm tăng thu nhập cho người dân trồng rừng và công ty chế biến gỗ”.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Thiện Hoàng (Cụm công nghiệp Bình Dương, huyện Phù Mỹ) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép, đồ gỗ xây dựng…; dịch vụ lâm nghiệp; khai thác gỗ; trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty, cho biết: Với mong muốn góp phần gia tăng các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời tăng giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và tuân thủ theo nguyên tắc của hệ thống chứng chỉ FSC, chúng tôi chủ động xây dựng phương án liên kết với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, triển khai dự án chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và tiến tới cấp chứng chỉ rừng FSC. Mặt khác, tạo việc làm thường xuyên và tăng thu nhập cho người dân địa phương, trên tinh thần hợp tác kinh tế mang tính cộng đồng, cùng phát triển.
Từ tháng 4.2021, Công ty TNHH Lâm nghiệp Thiện Hoàng đã phối hợp với UBND xã Mỹ Hiệp tổ chức tuyên truyền đến người dân về hiệu quả thiết thực của trồng rừng gỗ lớn bền vững theo tiêu chí FSC, dựa trên mô hình nhóm liên kết. Ảnh: DNCC
Theo nhiều chuyên gia về rừng, để trồng rừng gỗ lớn, chủ đầu tư phải có đất trồng rừng tương đối bằng phẳng, đất tốt, vị trí thuận lợi về giao thông và diện tích đủ lớn. Hơn nữa do thời gian chăm sóc dài, dễ bị rủi ro do gió bão, cháy rừng… nên kỹ thuật, năng lực quản lý khi trồng rừng gỗ lớn cũng phải cao hơn thông thường. Cái khó của người trồng rừng ở tỉnh ta là vốn ít, kỹ thuật lạc hậu, năng lực quản lý gần như chưa có gì. Trong khi đó chính sách của nhà nước về hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn chưa được bao nhiêu, chưa đủ sức để khuyến khích người dân và DN tham gia trồng rừng gỗ lớn. Kết quả đạt được từ trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh những năm qua vừa chưa nhiều, vừa chủ yếu do các DN có nguồn gốc là DN nhà nước thực hiện. Do đó, rất cần các DN và chủ rừng mạnh dạn đi tiên phong để chứng minh tính khả thi, lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm), cho biết: Năm 2019 và 2020, UBND tỉnh đã cho chủ trương 4 DN chế biến gỗ thực hiện liên kết với các hộ trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và tiến tới cấp chứng chỉ rừng, nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay hầu như chưa thực hiện được gì. Vì vậy, việc Công ty Thiện Hoàng liên kết với hộ dân trồng rừng gỗ lớn được UBND tỉnh khuyến khích, động viên và hỗ trợ các bước chuẩn bị để thực hiện dự án.
Công ty Thiện Hoàng đã tham dự, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để nắm bắt ý kiến và thực hiện theo các yêu cầu; khảo sát thêm thực tế, tuyên truyền, giới thiệu, lấy ý kiến tham vấn cộng đồng... Qua đó, đề xuất triển khai thực hiện dự án thí điểm tại 2 xã Mỹ Châu, Mỹ Hiệp. Theo đó DN sẽ liên kết với các nhóm hộ trồng rừng sản xuất triển khai thực hiện trồng mới rừng gỗ lớn (từ 8 - 10 năm tuổi) và tỉa thưa chuyển hóa rừng gỗ nhỏ (từ 4 - 5 năm tuổi) sang rừng gỗ lớn, đủ điều kiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Bước đầu Công ty dự kiến sẽ đầu tư khoảng 2,233 tỷ đồng cho dự án này.
Bằng việc tham gia dự án, các hộ chủ rừng sẽ nâng cao thu nhập từ bán gỗ lớn, hơn nữa với chứng chỉ FSC giá gỗ sẽ cao hơn thông thường từ 10 - 15%, được Công ty Thiện Hoàng đảm bảo bao tiêu sản phẩm. Đồng hành với chủ rừng, Công ty cũng sẽ có một số hoạt động hỗ trợ như: Tập huấn về bộ tiêu chuẩn FSC, kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, tỉa thưa chuyển hóa rừng, chăm sóc, khai thác vận chuyển gỗ. Hỗ trợ chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC; nhà máy của Công ty thu mua sản phẩm của hộ dân tham gia chứng chỉ rừng FSC khi rừng chịu thiên tai. Hỗ trợ cây giống, phân bón cho chu kỳ trồng mới tiếp theo với các diện tích đã đăng ký FSC; tham gia bảo hiểm rừng nội bộ.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm: Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ lập dự án, dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành, trình Sở NN&PTNT thẩm định. Từ sự quan tâm của UBND tỉnh, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương và hưởng ứng ban đầu của người dân, chúng tôi tin dự án sẽ sớm được triển khai thí điểm, tạo cơ sở để Công ty về lâu dài hơn có thể nhân rộng thực hiện trong toàn tỉnh.
HOÀI THU