Sống tích cực giữa đại dịch
Dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt thường ngày của rất nhiều gia đình. Nhiều người không tỏ ra bực bội, than vãn kêu ca mà tìm cách giảm thiểu các nhu cầu của cuộc sống, nhìn vào hướng tích cực, hơn nữa còn góp sức chống dịch để sớm có nhịp sống bình thường mới.
1.Khi TP Quy Nhơn bắt đầu dừng hoạt động đối với các dịch vụ không thiết yếu, nhiều hàng quán cũng đồng loạt đóng cửa. Riêng Hội Ngộ quán (79 Chế Lan Viên) từ đầu tháng 8.2021 đến nay vẫn có người ra vào, không phải buôn bán mà để nấu cơm phục vụ cho tuyến đầu chống dịch, chủ yếu là chốt kiểm dịch trên QL 1D.
Trương Thoại Châu tỉ mỉ chia thức ăn vào từng khay cơm. Ảnh: K.T
Sáng Chủ nhật 26.9, theo lịch là nghỉ, nhưng bếp lại mở cửa sau khi nhận được tin từ Thành đoàn Quy Nhơn cần suất ăn gấp để tiếp sức lực lượng y tế đi test nhanh SARS-CoV-2 cộng đồng. Bên cạnh các ĐVTN, tham gia nấu cơm tại đây có những tình nguyện viên khá đặc biệt. Như chàng trai Nguyễn Duy Huấn (ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), nghề pha chế “thất nghiệp” giữa mùa dịch, lại chưa vợ con nên thời gian rảnh rỗi, bếp mở là Huấn có mặt.
“Ban đầu mọi người dự định sơ chế nguyên liệu từ chiều tối hôm trước, nhưng làm vậy thức ăn sẽ không ngon. Thế là tụi em có mặt từ 6 giờ sáng, chia nhau mỗi người một tay, lâu ngày quen dần cũng nhanh hơn”, Huấn chia sẻ.
Tương tự, sau khi mất việc ở nhà hàng lại không thể về quê, Trương Thoại Châu (ở xã An Hòa, huyện An Lão) cảm thấy “buồn tay cuồng chân”. Biết được bếp ăn đặc biệt ở Hội Ngộ quán, Châu hào hứng tham gia từ những ngày đầu. “Em chưa lập gia đình, không vướng bận gì nên góp được chút công sức cho lực lượng tuyến đầu là thấy vui lắm. Em chỉ mong mình có sức khỏe để làm được việc có ích, giúp mọi người cùng vượt qua cơn dịch này”, Châu tâm sự.
2. Không có điều kiện “xông pha” như 2 bạn trẻ kể trên, nhiều người mất việc trong mùa dịch ở nhà trông con nhỏ, gói ghém cuộc sống gia đình để hạn chế đến mức tối thiểu nhu cầu sinh hoạt. Ủ thêm khay giá trong căn phòng trọ chật hẹp; một phần đậu khuôn chiên luộc nấu canh cũng đủ món; canh bầu không hành ngò cũng chẳng sao... Không kêu ca hay than vãn, họ lặng lẽ động viên nhau rèn luyện sức chịu đựng để cùng vượt qua những tháng ngày dài khắc nghiệt.
Tôi cứ ám ảnh mãi câu hỏi mà một người đồng nghiệp lớn tuổi đặt ra sau khi quan sát đời sống xã hội ở nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh: Sinh viên tuổi đôi mươi sức dài vai rộng, sao lại nằm vất vưởng trong phòng trọ, lên mạng xã hội kể khổ than đói, để thầy cô vất vả tìm đường cứu trợ? Thay vì vậy, sao các bạn không đăng ký tham gia lực lượng tình nguyện chống dịch, được ưu tiên tiêm vắc xin, không lo từng bữa ăn và đem sức trẻ cống hiến cho cộng đồng?
Rõ ràng, chẳng ai mong muốn điều không hay xảy đến với mình và những người thân quen trong cơn bĩ cực mang tên Covid-19. Tuy nhiên, trừ những người lâm vào cảnh ngặt nghèo, mỗi người vẫn có thể bình tĩnh đón nhận, đương đầu với biến cố, xem đó là thử thách cho mình để rèn luyện, cứng cỏi, sống lạc quan và lan tỏa năng lượng tích cực đến người khác.
Nếu còn được ở nhà, không phải ra đường trong những ngày giãn cách mà vẫn có thể chăm lo đầy đủ cái ăn, cái mặc cho gia đình thì bạn đang thật sự hạnh phúc. Bởi, vẫn còn đó rất nhiều người thiếu thốn, bươn bả, chật vật mưu sinh trong những ngày này. Và còn biết bao người phải ngày đêm đội nắng dầm mưa, đối mặt với hiểm nguy, bất trắc để đem lại bình yên cho cộng đồng…
3. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương, ngày 25.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển KT-XH; khoảng ngày 30.9 trở lại trạng thái bình thường mới, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.
Tại Bình Định, tỉnh cũng triển khai xây dựng kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục và phát triển KT-XH.
Tới đây chúng ta cũng phải chấp nhận một cuộc sống “bình thường mới”, nghĩa là sẽ có những điều “không bình thường” trước đây phải được chấp nhận “như là bình thường”. Quan trọng nhất là mỗi người phải sẵn sàng tâm thế cho những đổi thay để tiếp tục hòa mình vào nhịp sống mới. Để an toàn, để phát triển!
KHẢI THƯ