Thanh minh xóm
Tục cúng Thanh minh ở xóm tôi có từ lâu. Theo những người lớn tuổi thì tục cúng Thanh minh kèm theo tảo mộ. Nghĩa là đến những ngày cuối tháng Ba (âm lịch) mà ngôi mộ nào chưa được giẫy cỏ, chăm sóc thì được tảo mộ trong dịp này. Các cụ già cho rằng đây là những mộ phần mà con cháu đi làm ăn xa, hoặc không còn ai chăm sóc nên dân làng phải có trách nhiệm, thể hiện tình nghĩa người đời…
Nghĩa nhân là vậy nhưng ở xóm tôi số mồ mả này không nhiều nên việc cúng Thanh minh hàng năm chỉ là dịp mọi người chung vui trong bữa tiệc thân mật. Ngày cúng Thanh minh được những người lớn trong xóm bàn bạc kỹ, năm nào cũng làm heo lại thêm gà vịt để đủ thức ăn cho cả mấy mươi hộ gia đình cùng thưởng thức.
Ngày trước (hồi chưa giải phóng) tôi vẫn thường theo ông nội ra miễu xóm ăn cúng Thanh minh. Những ngày như vậy thật vui, người làm heo, làm gà, kẻ lo kê bàn ghế ngoài sân miễu để dọn tiệc Thanh minh. Lũ nhỏ chúng tôi chạy loanh quanh xem các cụ già cúng lễ, rồi sớ rớ để người lớn sai bảo… Lời khấn của cụ già chủ yếu là cầu cho mùa màng thuận lợi, làng xóm bình yên, không ai chết trẻ, đau ốm…
Sau ngày miền Nam giải phóng (30.4.1975), những người dân trong xóm ly tán do chiến tranh có dịp về đông đủ, lễ cúng Thanh minh như bữa tiệc ăn mừng đoàn tụ của xóm. Ngày nay, dù lớn lên đi xa nhưng mỗi dịp cúng Thanh minh tôi vẫn thường về “chung vui” với bà con trong xóm. Vẫn ngôi miễu xóm tường vôi, mái ngói rong rêu, dưới bóng cây sung cổ thụ cỗ bàn được dọn ra, mọi người ăn uống đông vui, tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó.
Khoa Văn