Dấu ấn Bác Hồ với quê hương Bình Định
Bình Định - mảnh đất vinh dự là nơi Bác từng dừng chân trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước khi thân sinh Bác- cụ Nguyễn Sinh Sắc- trong thời gian nhậm chức Tri huyện Bình Khê. Để ghi nhớ công ơn Người, một phòng trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Bình Định - Bình Định với Bác Hồ” đã được xây dựng tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cách đây nhiều năm. Đầu năm 2014, công trình Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đã được khởi công xây dựng.
1.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã xây dựng phòng trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Bình Định - Bình Định với Bác Hồ”. Cho đến nay, đây luôn là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng và thường xuyên được bổ sung tư liệu, hiện vật.
Phòng trưng bày chuyên đề về Bác Hồ trong Bảo tàng Tổng hợp tỉnh gồm 4 phần: Thân thế Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sơ lược về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bác Hồ với Bình Định và tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác; Nhân dân Bình Định thực hiện Di chúc Bác Hồ. Trong đó, người xem thường chú ý mảng trưng bày về Bác Hồ với Bình Định và tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác.
Bình Định vinh dự và tự hào là nơi Bác từng dừng chân, sống và làm việc một thời gian trong những ngày bôn ba tìm đường cứu nước. Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Bình Định luôn dành tình cảm thiêng liêng, đặc biệt với vị Cha già kính yêu của dân tộc và cũng nhận từ Bác sự quan tâm to lớn. Những bức ảnh làm chúng ta xúc động. Đó là ảnh chụp bà Nguyễn Thị Thế Ngân (người Phước Sơn, Tuy Phước) - một người con Bình Định có may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ - vinh dự đứng cạnh Bác trong bức ảnh Bác chụp với đoàn đại biểu dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ (tháng 11.1964, tại Hà Nội). Đó là ảnh hai thiếu nhi Tam Quan, huyện Hoài Nhơn thay mặt thiếu nhi Liên khu V dâng tặng Bác Hồ bức tranh thêu “Nam - Bắc một nhà” lúc Bác đến thăm Trường học sinh miền Nam năm 1958. Đó là ảnh đoàn cán bộ Bình Định làm lễ truy điệu Bác tại Đại sứ quán CHDC Đức tháng 9.1969…
Mảng trưng bày thứ tư với nội dung nhân dân Bình Định thực hiện Di chúc của Bác thể hiện thành tựu văn hóa - xã hội của tỉnh trong những năm đổi mới cũng nói lên Đảng bộ và nhân dân Bình Định luôn xem Di chúc của Người là kim chỉ nam trên con đường xây dựng quê hương.
Bình Định là một trong số không nhiều những tỉnh có bảo tàng (cấp tỉnh) dành hẳn một phòng lớn trưng bày chuyên đề về Bác Hồ. Ông Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng, cho biết: “Phòng trưng bày “Bác Hồ với Bình Định- Bình Định với Bác Hồ” có một vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống trưng bày của Bảo tàng, đây luôn là điểm thu hút và tạo ấn tượng xúc động đối với khách tham quan. Phòng trưng bày thường xuyên được bổ sung, thay thế các tư liệu, hiện vật mới để nâng cao hiệu quả phục vụ. Mới đây nhất, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, lần đầu tiên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đưa vào trưng bày những đồ dùng cá nhân của Bác Hồ, gồm: bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, gậy và nón cối. Đây là những hiện vật phục chế theo nguyên mẫu từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, là sự bổ sung quan trọng giúp cho phòng trưng bày về Bác trở nên gần gũi, thiêng liêng và xúc động hơn”.
2.
Dấu ấn Bác Hồ trên quê hương Bình Định không chỉ ở phòng trưng bày trong bảo tàng mà còn được bảo tồn, phát huy hiệu quả bằng việc xây dựng công trình di tích văn hóa vật thể mang nhiều ý nghĩa. Đó là Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) - nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được bổ nhiệm làm Tri huyện từ tháng 7.1909 đến tháng 1.1910 và là nơi người con trai ưu tú của cụ - thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành- đã đến thăm và sống cùng cha một thời gian, đã được khởi công ngày 22.1.2014.
Theo ông Ngô Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang, hiện công trình Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Ngày 14.3.2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu tưởng niệm này. Theo đó, trên nền diện tích khu đất khoảng 2,6 ha, đồ án phân chia thành 2 khu vực quy hoạch. Khu vực bảo tồn di tích gốc bao gồm các hạng mục chính như giếng nước và nền nhà Huyện đường Bình Khê cũ; xây dựng hệ thống sân vườn, đường nội bộ và cây xanh tạo cảnh quan và phục vụ khu di tích... Khu vực xây dựng mới gồm đền thờ; nhà lưu niệm; Huyện đường phục chế (theo hình thức kiến trúc Bình Định giai đoạn cụ Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện); nhà bia di tích; các hạng mục phụ trợ hạ tầng kỹ thuật như quảng trường, khu vực tiếp khách và bán đồ lưu niệm, bãi đậu xe, sân đường nội bộ, cây xanh, hồ sen… Tổng kinh phí công trình dự kiến khoảng 49 tỉ đồng.
Lịch sử ghi lại, năm 1909, sau sự kiện Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị tòa khâm sứ khiển trách vì “Hạnh kiểm hai người con học trường Quốc Học (Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt) nói trước mặt thầy giáo những lời bài Pháp”, triều đình Huế điều cụ đến huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định) làm Tri huyện, thực chất là muốn tách cụ khỏi trung tâm chính trị tại kinh đô Huế. Trong thời gian cha làm Tri huyện Bình Khê cũng là thời điểm người con Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam, bước vào lộ trình tìm đường cứu nước. Huyện đường Bình Khê là nơi cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và người con trai yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sống những ngày đẹp đẽ cuối cùng và diễn ra cảnh chia tay lịch sử, để rồi sau đó Nguyễn Tất Thành bước vào hành trình cứu nước gian khổ và không được gặp lại cha lúc ông qua đời.
Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê đang được nỗ lực xây dựng và khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn cho “bức tranh” Nguyễn Tất Thành ở Bình Định. Đồng thời, công trình cho thấy sự tôn vinh lịch sử và tấm lòng trân trọng của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ cũng như đối với thân phụ của Người, tạo thêm một điểm đến thiêng liêng cho nhân dân cả nước.
VIẾT TUẤN - SAO LY