Dạy và học trực tuyến: Cần nhiều nỗ lực để thích ứng
Khảo sát sơ bộ trong tháng 9 này của Sở GD&ĐT đối với 407 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy, số học sinh có trang thiết bị để học trực tuyến chỉ chiếm 34,45% tổng số học sinh toàn tỉnh. Nhưng thiếu thiết bị mới chỉ là một trong những khó khăn của bài toán dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cả thầy và trò đều gặp khó
Những khó khăn khác cũng được nhiều người nói tới là không có mạng internet, hoặc có nhưng đường truyền không ổn định; học sinh phải ngồi học trên máy tính, điện thoại thời gian dài dễ mỏi mắt, căng thẳng; việc ngồi học ở nhà khiến học sinh dễ bị phân tâm.
Các trường ưu tiên dạy học trực tiếp nội dung học cốt lõi, đồng thời khảo sát và lên kế hoạch chuẩn bị cho hình thức trực tuyến khi dịch Covid-19 phức tạp hơn. Ảnh: T. HIỀN
Hơn nữa, dạy trực tuyến nhưng giáo viên vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của học sinh, nên khó khăn của học sinh nói trên cũng chính là thách thức đối với thầy cô giáo. Mặt khác, không phải giáo viên nào cũng thành thạo việc sử dụng các ứng dụng, hiệu chỉnh các chế độ và có thể khắc phục các sự cố, nên sẽ phải mất một thời gian mới sử dụng thuần thục, khai thác tối đa các phần mềm và tổ chức tốt việc dạy học.
Sau nhiều lần lùi lịch học do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, sáng 27.9, các trường học trên địa bàn 14/17 xã, phường của TX Hoài Nhơn bước vào dạy và học trực tiếp. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn, các trường ưu tiên thời gian “vàng” trên lớp để dạy kiến thức cốt lõi khi tình hình dịch ổn định. Riêng về dạy và học trực tuyến rất khó, khi khảo sát 31.156 học sinh bậc tiểu học và THCS thì có đến trên 46% học sinh không có thiết bị để học trực tuyến (máy tính, điện thoại di động thông minh).
Huyện Tuy Phước cũng xác định trước mắt vẫn là dạy trực tiếp, đồng thời xây dựng phương án dạy trực tuyến đối với cấp THCS để ứng phó kịp thời nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng qua khảo sát ở bậc THCS, đã có nhiều quan ngại bởi chỉ có 52,5% học sinh đủ điều kiện để học trực tuyến. Bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho hay: Chúng tôi yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học trực tuyến, bao gồm cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, cách thức tổ chức. Giáo viên chủ yếu là dạy các môn học cốt lõi, kết hợp những môn học cần thiết, theo hướng tinh gọn, thiết kế bài giảng điện tử phù hợp.
Với 64,2% học sinh được khảo sát đủ điều kiện học trực tuyến, song ông Mai Văn Em, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Lộc, huyện Tuy Phước vẫn cho rằng, đây mới chỉ là thống kê cơ học, còn thực tế triển khai sẽ nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều ông lo nhất là rất khó đạt được mục tiêu về chất lượng dạy và học; hơn nữa công tác quản lý lớp theo cách dạy và học này không hề đơn giản. Ngay cả với giáo viên, để chuyển sang thích nghi với việc dạy trực tuyến cũng là cả vấn đề lớn. Nhà trường tập huấn về sử dụng phần mềm dạy trực tuyến cho giáo viên, sắp tới đây, chúng tôi tổ chức giáo viên dạy thử cho giáo viên để vừa làm vừa góp ý, rút kinh nghiệm.
Tính toán thận trọng
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển cho hay, đến ngày 20.9, có 6/11 huyện trong tỉnh đã tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đến ngày 27.9 thêm một số trường ở TX An Nhơn, Hoài Nhơn. Sở đang xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến cấp THCS, THPT, giáo dục thường xuyên trong thời gian dịch Covid-19 có thể kéo dài, với 2 phương án cụ thể.
Phương án 1, đối với các địa bàn cấp huyện đã kiểm soát được dịch Covid-19, tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp; chủ động chuẩn bị máy tính, điện thoại di động thông minh, đường truyền internet (gọi chung là cơ sở vật chất) triển khai dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh xảy ra tại địa phương.
Phương án 2: Đối với các địa phương chưa kiểm soát được dịch Covid-19, những trường ở địa bàn cấp xã được cơ quan chức năng đánh giá là an toàn (vùng xanh) thì thực hiện dạy học như phương án 1.
Những trường ở địa bàn có nguy cơ (vùng hồng) phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, tổ chức cho học sinh học trực tiếp trong trạng thái bình thường mới với số lượng học sinh/lớp phù hợp và giãn cách tối đa (chia lớp học thành 2 nhóm), kết hợp linh hoạt với dạy học trực tuyến và các hình thức học khác.
Những trường ở trên địa bàn nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ) phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ thì tổ chức dạy học trực tuyến (ở những nơi học sinh có đủ cơ sở vật chất); kết hợp linh hoạt dạy học trực tuyến với hình thức học qua truyền hình và các hình thức khác.
Những trường trên địa bàn có một số vùng hẹp được đánh giá là vùng cam, vùng đỏ, số học sinh trong vùng không nhiều, các trường phối hợp với chính quyền địa phương để xác định tính an toàn theo yêu cầu phòng, chống dịch và tổ chức dạy học trực tiếp; số học sinh không đến trường sẽ được tổ chức dạy bù hay tổ chức hình thức khác phù hợp, linh hoạt. Trong mọi trường hợp, ưu tiên học sinh khối lớp 9, lớp 12 được tham gia linh hoạt học tập trực tiếp, trực tuyến.
THU HIỀN