Làm video hỗ trợ nuôi dạy trẻ tại nhà
Chia sẻ nhẹ nhàng, gần gũi
8 giờ sáng 28.9, hai ê kíp giáo viên Trường Mầm non quốc tế Tuổi Ngọc (TP Quy Nhơn) chuẩn bị đạo cụ xây dựng và quay 2 “tiết học”, thời gian mỗi tiết gần 5 phút. Một tiết hướng dẫn trẻ làm kính chắn giọt bắn, một tiết hướng dẫn trẻ kỹ năng che miệng khi ho, ngáp và hắt hơi. Cô thì chuẩn bị chân quay kẹp sẵn điện thoại di động, cô thì ngồi bên cầm kịch bản hỗ trợ đồng nghiệp nếu có gì sơ sót trong quá trình quay. Lấm tấm những giọt mồ hôi, nhưng nụ cười vẫn tươi tắn, bởi với các cô, được “lên lớp” đã là một niềm vui, dù theo một cách rất đặc biệt.
Cô giáo Trần Thị Thu Thiết (Trường Mầm non quốc tế Tuổi Ngọc, TP Quy Nhơn) trong giờ quay video hướng dẫn trẻ làm kính chắn giọt bắn. ẢNH: P.NGA
Cô Trương Thị Phương Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Do bậc mầm non không được dạy trực tuyến nên cùng với dạy trực tiếp trên lớp khi được phép, chúng tôi có phương án làm các video dạy học, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà. Mỗi video phải đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và tính giáo dục cao, giúp trẻ rèn luyện được khả năng phát triển nhận thức, thẩm mỹ, nhất là hướng vào giáo dục kỹ năng cho trẻ. Mỗi video chỉ kéo dài có vài phút nhưng lại mất rất nhiều thời gian từ lúc lên ý tưởng, xây dựng giáo án và hoàn thiện...
Nội dung của những video được các trường xây dựng tập trung hướng dẫn một số kiến thức cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý; những trò chơi vận động, trò chơi dân gian và giáo dục kỹ năng sống; làm đồ chơi từ những nguyên vật liệu gần gũi, dễ tìm ở nhà…
“Hình thức này phù hợp với mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến, góp phần thực hiện tốt chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học” của Bộ GD&ÐT. Khi trẻ đi học trở lại, giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp từng độ tuổi; đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi ưu tiên dạy nội dung cốt lõi, đảm bảo đủ điều kiện để trẻ sẵn sàng vào lớp 1”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm
Từ ngày 20.9, Trường Mầm non Quy Nhơn bắt tay làm các video dựa vào chương trình giáo dục mầm non, điều kiện thực tiễn của nhóm/lớp để hướng dẫn và hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Mỗi độ tuổi, trường xây dựng, lựa chọn 2 video/tuần (nội dung của 1 trong 5 lĩnh vực giáo dục). Những video được các cấp chuyên môn phê chuẩn, nhà trường gửi lại cho giáo viên để chuyển đến phụ huynh bằng nhiều hình thức như zalo nhóm lớp, đăng trên facebook của trường. Từ chỗ lần đầu “lên hình” bỡ ngỡ, các giáo viên đã thuần thục hơn ở những lần sau, nâng cao chất lượng của video, cắt, ghép, xử lý hình ảnh, xử lý hiệu ứng trên những phần mềm. Đến nay, Trường Mầm non Quy Nhơn có nhiều video chất lượng tốt đã được thẩm định như: Trò chơi màu sắc (cô Mai Thị Thiên, lứa tuổi nhà trẻ); Ôn số lượng trong phạm vi 10 (cô Nguyễn Thị Thùy Mơ - lứa tuổi chồi, lá); Kỹ năng trồng hành lá thủy canh (cô Trần Thị Ngọc Hằng - lứa tuổi lá)…
“Trong khi thực hiện, giáo viên đều được góp ý, rút kinh nghiệm. Mục tiêu đặt ra của mỗi tiết học là bằng cách chia sẻ nhẹ nhàng, sinh động, gần gũi, giúp trẻ nắm bắt được nội dung bài học và thực hành. Hình thức này được phụ huynh rất hưởng ứng và hợp tác cùng các cô trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại nhà”, cô Nguyễn Thị Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quy Nhơn, chia sẻ.
Hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ
Sáng 27.9, Trường Mẫu giáo Hoài Đức (TX Hoài Nhơn) bắt đầu cho trẻ đến trường học trực tiếp, nhưng trước đó, 400 trẻ đã “vừa học, vừa chơi” qua video. “Dù đã đến trường, nhưng chỉ dạy 1 buổi/ngày, nhà trường vẫn chọn các video chủ yếu về kỹ năng sống để chuyển về giúp phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Đến nay, 2/3 số tiết học quay video của nhà trường đã được nhân rộng ứng dụng trong trường mầm non, mẫu giáo của thị xã; 6 video đang được Sở GD&ĐT thẩm định”, cô Trương Thị Thủy Cửu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Bà Lương Thị Xuân Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết, trong thời gian trẻ chưa đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non dựa vào chương trình xây dựng và cung cấp video phù hợp với từng độ tuổi cho phụ huynh để hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện tại nhà. Hằng tuần, phòng GD&ĐT chọn 5 video với 5 lĩnh vực ở các độ tuổi khác nhau gửi về Sở GD&ĐT để các chuyên gia thẩm định, lựa chọn, tổng hợp và gửi vào kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung của cấp học mầm non toàn tỉnh. Sở đã thẩm định và ban hành hơn 100 video để các cơ sở chuyển đến phụ huynh. Đồng thời cung cấp địa chỉ kho học liệu dùng chung của Bộ GD&ĐT cho các cơ sở.
Giáo viên cũng linh hoạt, hỗ trợ bài dạy cho trẻ không đủ điều kiện kết nối internet; hướng dẫn phụ huynh theo dõi các chương trình giáo dục trên kênh truyền hình như: VTV7 Kids: Chương trình “Ở nhà mùa dịch”, “ABC - Vui từng giờ”, “123 - Ta cùng đếm”; VTV1: Chương trình “Vì tầm vóc Việt”; HTV7: Chương trình “Nào ta cùng vui”.
THU HIỀN