Việt Nam chung tay cùng quốc tế phấn đấu xóa bỏ vũ khí hạt nhân
Việt Nam là thành viên của NPT, CTBT, TPNW và luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình, đồng thời sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Ngày 28.9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp phiên toàn thể cấp cao thường niên kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26.9.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)
Tham dự cuộc họp có Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdula Shahid, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres và đại diện của 95 nước, tổ chức quốc tế liên quan, trong đó có 7 nguyên thủ, 48 bộ trưởng, thứ trưởng các nước đã gửi video tham dự và phát biểu tại phiên họp.
Lãnh đạo Liên hợp quốc và hầu hết các đại biểu nhấn mạnh xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo đảm không còn việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Sự tồn tại của hơn 13.000 vũ khí hạt nhân tiếp tục là nguy cơ hủy diệt nhân loại, gây thảm họa về môi trường, sinh thái. Cạnh tranh địa chính trị, chạy đua vũ khí chiến lược, lạm dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện đại hóa các kho vũ khí hạt và việc một số nước tiếp tục duy trì học thuyết hạt nhân là các thách thức đối với việc xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Sử dụng vũ khí hạt nhân là trái với luật quốc tế, trong đó có luật nhân đạo, nhân quyền quốc tế. Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực phấn đấu cho việc chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân.
Nhiều điều ước quốc tế liên quan, trong đó có Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), các khu vực không có vũ khí hạt nhân (NWFZ), Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) cùng các nghị quyết của Liên hợp quốc đã góp phần hình thành khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực quốc tế về chống phổ biến, giải trừ và cấm vũ khí hạt nhân.
Nhiều phát biểu kêu gọi củng cố hợp tác đa phương, vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và bộ máy đa phương về chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân; các nước có vũ khí hạt nhân cần thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ về giải trừ vũ khí hạt nhân theo NPT; cần nỗ lực thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ ý kiến trên và nhấn mạnh việc cần nỗ lực xây dựng niềm tin, tình hữu nghị giữa các quốc gia và bảo vệ nhân loại khỏi vũ khí hạt nhân; cần thực hiện tốt các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và các điều ước liên quan; cần có các biện pháp cụ thể thực hiện Điều VI của NPT về đàm phán chân thành hướng tới giải trừ quân bị hạt nhân toàn diện và triệt để; cần củng cố các cơ chế chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân, hướng tới thúc đẩy Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) sớm có hiệu lực.
Đại sứ tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Ngày Quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26.9 được thành lập theo Nghị quyết số 68/32 Khóa 68 của ĐHĐ Liên hợp quốc năm 2013.
Ngày 26.9.1983 Liên Xô đã kịp phát hiện, ngăn chặn không trả đũa hạt nhân khi hệ thống cảnh báo sớm hiển thị nhầm có 5 tên lửa đạn đạo của Mỹ đang tấn công Liên Xô.
Theo Hải Vân (TTXVN/Vietnam+)