Đưa pháp luật đến từng nhà, từng tàu, từng ngư dân
Kết quả thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” đã đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh tuyến biển, xây dựng cuộc sống an toàn ở vùng ven, nhất là trong các thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”, công tác PBGDPL đã triển khai nghiêm túc, sát thực tế với từng địa bàn khu vực biên giới biển, có trọng tâm, trọng điểm; hình thức đa dạng, có chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn) đo thân nhiệt cho thuyền viên trước khi lên bờ. Ảnh: K.T
Trong đó, đáng chú ý, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức hơn 100 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã bãi ngang, ven biển; lồng ghép thực hiện hơn 100 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật cho gần 7.000 người dân tham dự; soạn, in và cấp phát hơn 80.000 tờ gấp pháp luật gồm nhiều nội dung khác nhau…
“Thông qua hoạt động này, nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật của người dân đã được đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý hướng dẫn, giải đáp ngay tại cơ sở; góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện vượt cấp”, ông Phạm Dân - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhận định.
Trong các nội dung PBGDPL cho người dân ven biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Xác định đối tượng cần được tuyên truyền, tác động là ngư dân và chủ tàu/ thuyền trưởng, trong giai đoạn 2017 - 2021, đã có 75 lớp được mở với hơn 5.000 lượt chủ tàu/thuyền trưởng tham gia. BĐBP tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tổ chức cho 3.300 chủ tàu khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nổi bật trong hoạt động này là Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (đóng quân tại phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn). Đồn đã củng cố, duy trì 462 tổ tự quản ANTT/8.326 thành viên, 466 tổ tàu thuyền an toàn/1.833 tàu/13.796 thuyền viên, 1 bến bãi an toàn/2.965 người, 100% phương tiện đánh bắt xa bờ trước khi xuất bến đều ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản.
Đại úy Lê Hữu Minh - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, cho biết: “Các tổ tàu thuyền tự quản, tổ ANTT, nhân dân ở 6 xã, phường khu vực biên giới biển đã nâng cao nhận thức trong việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cùng với Đồn Biên phòng Tam Quan Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển trên địa bàn thị xã”.
Nguồn: BTV
Đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4, với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, đồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyến biển đã phối hợp tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. Các đơn vị đã chú trọng tổ chức tuyên truyền lưu động, cấp phát tờ gấp nội dung về chấp hành quy định của pháp luật và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn địa bàn gắn với phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực trọng yếu.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP chính là lực lượng tuyến đầu, là trụ cột trong công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan. Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đã phân công lực lượng tham gia các chốt kiểm soát dịch ở 6 xã, phường ven biển. Đồng thời, tham mưu cho UBND thị xã thành lập 4 chốt kiểm soát dọc ven biển để kiểm soát tàu vào bờ, không cho thuyền viên trốn tránh các hoạt động kiểm dịch.
Ngư dân Trần Minh T. (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) chia sẻ: “Sau mỗi chuyến đi biển, lên bờ rồi tâm lý ai cũng muốn tụ tập anh em chút cho thoải mái. Gần đây, theo hướng dẫn của các anh BĐBP, chúng tôi vào bờ phải cách ly theo quy định, không được tụ tập cũng buồn, nhưng phải chấp nhận vì an toàn của cộng đồng”.
Theo ông Phạm Dân, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Sở sẽ phối hợp với lực lượng BĐBP tiếp tục áp dụng các hình thức PBGDPL linh hoạt, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để giúp cho người dân vùng biên giới, hải đảo nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là những quy định về phòng, chống dịch.
Giáo dục kết hợp thực thi pháp luật nghiêm minh
Với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp xử lý kiên quyết, tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài đã có chiều hướng giảm. Đây cũng chính là “2 gọng kìm” hữu hiệu được đánh giá cao. Tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định với 28 tỉnh, thành phố ven biển được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: “Những giải pháp quan trọng hiện nay để gỡ “thẻ vàng” của EC là cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho ngư dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản...; tổ chức thực thi pháp luật cho tốt, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm”.
KHẢI THƯ