Bình Ðịnh góp gỗ quý xây Lăng Bác Hồ
Tại phòng trưng bày hiện vật “Bác Hồ và nhân dân Bình Định, nhân dân Bình Định với Bác Hồ” ở Bảo tàng tỉnh, những bức ảnh trắng đen chụp ngày trước được phóng lớn treo trang trọng để phục vụ khách tham quan, tìm hiểu lịch sử; trong đó, có một bức ảnh chụp vào thời điểm năm 1972, với hình ảnh đồng chí Nguyễn Trung Tín, Bí thư Tỉnh ủy bổ nhát rìu đầu tiên khai thác gỗ quý tại rừng Vĩnh Thạnh để gửi về Thủ đô Hà Nội xây dựng Lăng Bác Hồ (ảnh).
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Trung ương có chủ trương các địa phương đóng góp vật liệu để xây Lăng Bác. Khi đó, Tỉnh ủy Bình Định họp bàn và nhận thấy tỉnh ta có nhiều gỗ quý có thể đóng góp để xây dựng Lăng Bác Hồ. Sau khi khảo sát và nhận thấy ở vùng núi Vĩnh Thạnh có loại gỗ trắc mật với chất lượng gỗ tốt, gỗ có màu đỏ đậm rất đẹp, tỉnh ta thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trung Tín làm Trưởng ban, chỉ đạo việc khai thác, vận chuyển gỗ tại địa điểm được chọn là làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh ngày nay.
Khi được thông báo lấy gỗ để xây Lăng Bác, nhân dân huyện Vĩnh Thạnh háo hức muốn góp sức vào công việc ý nghĩa này. Những người khỏe mạnh của các xã trong huyện Vĩnh Thạnh được tuyển chọn vào đội khai thác, vận chuyển gỗ. Gỗ trắc khai thác từ rừng Vĩnh Sơn rồi vận chuyển băng rừng vượt đèo dốc, đưa lên bè nứa theo dòng sông Côn về xuôi, sau đó được chuyển lên xe, bí mật đưa lên huyện Hoài Ân, rồi từ đây đưa tiếp sang huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) để theo đường mòn Hồ Chí Minh ra Hà Nội góp phần xây Lăng Bác. Những cây gỗ trắc là một phần tấm lòng của người dân Bình Định với Bác Hồ.
ĐOAN NGỌC