Triển khai các chương trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn TX Hoài Nhơn:
Ðối thoại để đạt được đồng thuận
Thực hiện phương châm sâu sát, tạo thuận lợi và mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền ở TX Hoài Nhơn đã tổ chức tốt hoạt động đối thoại, tìm được tiếng nói chung với người dân để giữ vững ANTT, triển khai các dự án phát triển KT-XH.
Đối thoại về những vấn đề thiết thân
Trong năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn phối hợp với thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường tổ chức 6 cuộc đối thoại với nhân dân. Nội dung đối thoại là những vấn đề “nóng”, thiết thân với đời sống người dân, như với các hộ dân khu phố Bình Phú (phường Hoài Thanh Tây) về quản lý, sử dụng cấp bù thủy lợi phí và các khoản thu tiền để lắp đặt công tơ điện của HTXNN Ngọc An; với nhân dân xóm 16, thôn Lương Thọ 2 (xã Hoài Phú) về việc vận chuyển gỗ của DN Trọng Thủy và Quyên Thắng gây tiếng ồn, bụi, cản trở giao thông, hư hỏng đường bê tông; với 15 hộ bị UBND phường Hoài Đức cưỡng chế vì trồng cây ở rừng phòng hộ tại hồ Hốc Cây...
UBND TX Hoài Nhơn tổ chức đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng GPMB dự án khu dân cư Phú Mỹ Lộc. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Còn 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã và các xã, phường đã phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức 10 cuộc đối thoại với nhân dân trên các lĩnh vực quản lý đất đai, chính sách xã hội, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường...
“Kết quả giải quyết các nội dung đối thoại đã góp phần bảo đảm quyền của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương”, ông Trương Hồng Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn, nhận định.
Đáng chú ý, qua kết quả đối thoại, gần 98% trường hợp hộ gia đình bị ảnh hưởng trong quá trình GPMB phục vụ thi công các dự án đã cơ bản đồng tình chấp thuận phương án đền bù.
Nổi bật như công tác GPMB để thi công tuyến đường ven biển ĐT 639 từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh, sau khi công bố chủ trương theo thông báo thu hồi đất, kiểm kê đất đai, công bố phương án bồi thường GPMB đã có nhiều hộ dân không chấp nhận. Tuy nhiên, sau nhiều lần UBND thị xã trực tiếp tổ chức đối thoại giải quyết vướng mắc cũng như hằng tuần các tổ công tác GPMB của thị xã và địa phương đi tuyên truyền, vận động thì các hộ dân đã chấp nhận. Đến nay, UBND thị xã đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 1.332 hộ bị ảnh hưởng (chiếm 98,7%).
Lắng nghe, thấu hiểu để đồng thuận
Để có được kết quả cao trong công tác GPMB, theo Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương, phải quán triệt quan điểm nhận thức sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bị ảnh hưởng do GPMB rằng: Chúng ta sẽ khó khăn trước mắt, ngắn hạn nhưng sẽ có thuận lợi, có cái tốt đẹp hơn trong tương lai, trong dài hạn; chúng ta khó khăn nhưng con cháu chúng ta sẽ phát triển hơn.
Ðối với các công trình có tái định cư, TX Hoài Nhơn xác định ưu tiên đầu tư hạ tầng khu tái định cư trước để sớm bố trí nơi ở cho người dân phải giải tỏa. Trường hợp chưa xây dựng được nhà ở tại khu tái định cư, thị xã hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công công trình. Thị xã còn xem xét hỗ trợ 1 phần chi phí tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển đến nơi ở mới, nhất là với người khó khăn.
“Bất cứ dự án nào của Trung ương hay tỉnh trên địa bàn, phải luôn được xem là dự án của thị xã, do người dân thị xã quản lý, sử dụng; vì vậy khi có chủ trương đầu tư phải thực hiện phương châm “Bắt con chim đậu, không bắt con chim bay” để người dân được sớm hưởng thụ thành quả từ dự án”. Phương pháp, cách làm mang tính quyết định. Người đứng đầu phải trực tiếp lắng nghe, cho chủ trương giải quyết, tháo gỡ kịp thời kiến nghị của người dân. Người dân bị ảnh hưởng phải được bồi thường, hỗ trợ để có nơi ở mới bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ; đời sống người dân sau khi có công trình phải tốt hơn, hướng tới phát triển bền vững vì nhân dân”, ông Phạm Trương phân tích.
Cụ thể, chậm nhất 3 ngày sau khi có chủ trương đầu tư, UBND TX Hoài Nhơn sẽ ban hành quyết định thành lập hội đồng GPMB. Hội đồng phối hợp với UBND xã, phường có công trình chọn vị trí thuận lợi nhất để xây dựng lán trại (có thể tận dụng trụ sở thôn, trường học, không sử dụng nhà dân) để làm sở chỉ huy do các phó chủ tịch UBND thị xã phụ trách. Đây cũng chính là nơi tiếp dân, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại.
Đồng thời, tổ công tác GPMB được thành lập phù hợp điều kiện, đặc điểm từng địa bàn, từng công trình. Trong đó, chủ lực là cán bộ, viên chức Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất, các phòng, ban của thị xã, cùng đại diện UBND xã, phường, thôn, khu phố. Tổ công tác chia nhỏ đi vận động theo từng cụm hộ bị ảnh hưởng, làm việc lúc mờ sáng và chiều tối, không ảnh hưởng đến ngày lao động của hộ dân.
Hoạt động vận động của các tổ công tác được duy trì thường xuyên, liên tục theo phương châm kiên trì, sâu sát từng hộ để giải thích các quy định của pháp luật liên quan đến GPMB. Hằng tuần, các sở chỉ huy gửi nội dung vượt quá thẩm quyền để Chủ tịch UBND thị xã tổ chức đối thoại ngay trong tuần tiếp theo, trực tiếp lắng nghe, giải thích và quyết định phương án GPMB.
KHẢI THƯ