Làm tất cả “vì cộng đồng”
Những ngày phòng, chống dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều người đã tham gia hết mình và để lại nhiều câu chuyện đẹp về tinh thần “vì cộng đồng”.
Chị Võ Thị Duy Thạo (SN 1991), là phát thanh viên của phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chị thường xuyên thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình công tác phòng, chống dịch ở địa phương đến đông đảo người dân. Đồng thời, thông qua mạng xã hội, chị hay kêu gọi mọi người cùng tham gia các hoạt động an sinh xã hội của Đoàn phường.
Chị Võ Thị Duy Thạo (ngoài cùng, bên trái) và ĐVTN phường Tam Quan Bắc tặng quà cho trẻ trong khu phong tỏa nhân dịp Trung thu. Ảnh: L.X
Không chỉ vậy, chị Thạo còn là người mẹ trẻ có con nhỏ (hơn 1 tuổi) nhưng chấp nhận tạm xa con để tham gia vào lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương. Khi xuất hiện ca F0 trên địa bàn phường, ngày 2.9, chị tạm xa con để đi chống dịch. Cứ vài ngày, chị Thạo về nhà 1 lần để thăm con và lấy vật dụng cần thiết. Đến ngày 9.9, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, chị Thạo quyết định không về mà dồn sức tham gia công tác phòng, chống dịch. Chị vừa phụ trách việc đi chợ giúp dân, vận động nhà hảo tâm chung tay quyên góp; chủ động hỗ trợ người dân khi cần. Dịp Trung thu vừa qua, chị Thạo cùng với Bí thư Đoàn phường Phan Ngọc Tuân nảy ra sáng kiến hóa trang thành chú Cuội, chị Hằng, đến phát quà các em có hoàn cảnh khó khăn trong khu phong tỏa. Trong trang phục “chị Hằng mùa dịch”, chị Thạo có ghé nhà tặng quà cho con trai. Nhưng trong lớp hóa trang và đồ bảo hộ cháu Hải Đăng (con chị Thạo) không thể nhận ra mẹ.
Được biết, đây không phải lần đầu 2 mẹ con tạm xa nhau vì dịch. Chị Thạo chia sẻ: “Vào cuối tháng 6, tôi lần đầu tạm xa gia đình để đi chống dịch. Tôi vừa hỗ trợ người dân, vừa đứng bếp nấu những suất cơm thiện nguyện cùng nhiều chị em khác. Mỗi khi nhớ con, tôi lại gọi video về cho người thân, tự nhủ dịch ổn, mẹ sẽ về”.
Là 1 trong 6 bác sĩ trẻ của Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh (YHCY&PHCN - cơ sở 2) tham gia hỗ trợ TX Hoài Nhơn trong đợt bùng phát dịch cuối tháng 6, bác sĩ Lê Ngọc Thường (SN 1994) đã cùng với các đồng nghiệp thực hiện lấy mẫu thần tốc, từ sáng sớm cho đến đêm muộn. “Thời điểm đó, thời tiết khá nóng, thêm bộ đồ bảo hộ và cặp kính cận bị nhòa bởi mồ hôi nhễ nhại, nhưng tôi vẫn cố gắng cho công tác chuyên môn. Có vậy mới mong dịch kết thúc”, anh Thường chia sẻ.
Sau đó, anh tham gia vào công tác điều trị cho các F0 tại Bệnh viện YHCY&PHCN (cơ sở 1) suốt hơn 2 tháng ròng. Không chỉ đảm bảo công tác chuyên môn, anh còn nghĩ ra nhiều hoạt động ý nghĩa để cùng với các đơn vị triển khai như chương trình tặng rau, củ, quả cho bà con vùng dịch; tổ chức Trung thu cho các bệnh nhân nhí đang điều trị tại bệnh viện. Cùng với đó, bác sĩ Thường đã tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện, phối hợp với Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo SOS 77, thực hiện 13 chuyến xe 0 đồng, đưa hơn 40 bệnh nhân xuất viện, về địa phương. Sau khi hoàn thành công tác điều trị F0, với tư cách là Phó Chủ nhiệm Phụ trách CLB 25, anh liền tham gia vào ngày hội hiến máu và tiếp tục việc thiện nguyện, kêu gọi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu cũng như đối tượng yếu thế trong mùa dịch.
Tại TP Quy Nhơn, ổ dịch ở phường Hải Cảng đã làm cho cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng khi phải thực hiện Chỉ thị 16. Không để xảy ra tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm, Hội LHPN phường đã ra sức kêu gọi, huy động các nguồn lực chung tay hỗ trợ. Nhờ đó, hơn 300 suất quà cùng 31 thùng sữa đã được trao đi. Trong những ngày này, người dân thường thấy chị Trần Thị Ngọc Huyền (SN 1994), Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường trẻ tuổi chạy ngược chạy xuôi khi thì giúp dân mua bó rau, cân thịt, lúc thì đến tận khu vực phong tỏa để trao những bữa sáng 0 đồng hay luôn có mặt trong “đội shipper mùa dịch”. Chị Huyền chia sẻ: “Mình còn trẻ nên cần học tập thêm nhiều kinh nghiệm từ các cô, các chị trong Hội về việc sâu sát thực tế của mỗi hộ dân, đặc biệt tại vùng tâm dịch”.
LINH DƯƠNG