GIẢI THƯỞNG ĐÀO TẤN - XUÂN DIỆU NĂM 2021:
Nhiều điểm mới, thêm cơ hội cho văn nghệ sĩ
Ngày 20.9, UBND tỉnh ban hành quy định Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Định năm 2021 (gọi tắt Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu), có hiệu lực từ ngày 4.10, thay thế quyết định số 20 ngày 9.5.2017.
Theo đó, Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần này quy định: Tác phẩm tham dự xét tặng ở 10 chuyên ngành, trong đó có một số sửa đổi, bổ sung về thể loại, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo văn nghệ sĩ trong tỉnh.
Thêm điểm mới
Cụ thể, ở chuyên ngành văn học bổ sung thể loại xét giải “văn học thiếu nhi”. Trong khi đó, chuyên ngành mỹ thuật có thêm các hình thức nghệ thuật đương đại (nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật hình ảnh động, nghệ thuật trình diễn). Chuyên ngành kiến trúc cụ thể hóa nội dung ở thể loại xét giải đối với “công trình kiến trúc đã được xây dựng”, “quy hoạch đô thị được phê duyệt, triển khai”. Thêm thể loại “dịch thuật” ở chuyên ngành văn nghệ dân gian. Chuyên ngành múa quy định cụ thể hơn ở thể loại “kịch bản múa được dàn dựng và công diễn”…
Quy định Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần này mở rộng, tạo nhiều cơ hội cho các văn nghệ sĩ Bình Định. Trong ảnh: - Triển lãm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thị Quyên với chủ đề “Cảm xúc quê hương” lần thứ I.2020. Ảnh: T.LỢI
Về tiêu chuẩn xét tặng, ở lần điều chỉnh này Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu vừa mở rộng nhưng đồng thời cũng nâng cao hơn so với trước. Cụ thể, các tác phẩm tham gia xét giải phải có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật (VHNT) được tặng giải nhất, nhì, ba (giải A, B, C hoặc giải vàng, bạc, đồng) tại các cuộc thi, liên hoan và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VH-TT&DL tổ chức; hoặc được tặng giải nhất, nhì, ba (giải A, B, C hoặc giải vàng, bạc, đồng) của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành; hoặc được tặng giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan và triển lãm về VHNT quốc tế uy tín.
Về điều kiện xét tặng, điều chỉnh định lượng tác phẩm xét giải và cụ thể hóa nội dung đối với các thể loại: Văn học, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian. Chẳng hạn, về văn học, công trình hoặc tác phẩm phải được xuất bản, cụ thể là tập thơ có 25 bài trở lên cho một tác giả (quy định cũ là 20 bài). Đặc biệt, tác phẩm được in thành sách dạng tuyển tập, cuộc triển lãm, đĩa chương trình nhạc tham dự xét giải phải có trên 70% nội dung mới công bố lần đầu trong thời gian 5 năm xét giải. Ngoài ra, bổ sung các quy định về nguyên tắc xét giải; nguyên tắc làm việc của hội đồng cũng có một số điều chỉnh.
Chặt chẽ, phù hợp hơn
Nhạc sĩ Nguyễn Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, cho biết các quy định ở lĩnh vực âm nhạc lần này đã mở rộng và rõ ràng. Do vậy, các tác giả âm nhạc sẽ có nhiều điều kiện để tham gia. Chưa kể, quy định chương trình âm nhạc độc lập của cá nhân hoặc nhóm tác giả đã được biểu diễn, ghi đĩa CD, DVD hoặc được ghi hình, ghi âm phát trên sóng phát thanh - truyền hình với thời lượng từ 25 phút trở lên là phù hợp (quy định cũ là 30 phút trở lên).
Chung quan điểm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Bình Định cho rằng, điều kiện xét tặng ở chuyên ngành nhiếp ảnh lần này đã mở rộng, tạo cơ hội tham gia nhiều hơn cho nhiếp ảnh tỉnh nhà. Chẳng hạn, quy định cuộc triển lãm ảnh (được cơ quan có thẩm quyền cấp phép triển lãm) có từ 35 ảnh trở lên đối với cá nhân có phần “dễ chịu” hơn, so với quy định cũ là 40 ảnh trở lên. Cụm tác phẩm ít nhất 7 ảnh trở lên mở thêm phần quốc tế là sự ghi nhận, khuyến khích của tỉnh để nghệ sĩ nhiếp ảnh tích cực sáng tác, giao lưu văn hoá hình ảnh với các nước trên thế giới, trong khi quy định cũ chỉ “gói gém” từ cấp tỉnh trở lên, hoặc cấp khu vực, toàn quốc.
Thể loại, tiêu chuẩn và điều kiện xét tặng giải thưởng ở chuyên ngành sân khấu lần này cơ bản giống với lần trước; có bổ sung mới ở thể loại xét tặng đối với “vở diễn sân khấu không chuyên”. Về vấn đề này, ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, bày tỏ sự hài lòng: “Tôi nghĩ việc bổ sung này là tốt, tạo điều kiện để nghệ sĩ không chuyên, nhất là tuồng không chuyên tham gia. Đó là sự ghi nhận cho những cống hiến của nghệ sĩ, nhất là trong bối cảnh đối tượng tham gia tuồng không chuyên hiện chủ yếu là các anh, chị đã lớn tuổi”.
*Một số hội viên Chi hội Mỹ thuật (Hội VHNT tỉnh) nêu ý kiến, ở điều kiện xét tặng dành cho chuyên ngành Mỹ thuật, quy định về điều kiện xét tặng như vậy là quá cao. Thực tế cho thấy, điều kiện ít nhất là cụm 5 tác phẩm được triển lãm từ cấp tỉnh trở lên (trong đó có ít nhất 1 tác phẩm đạt giải thưởng cấp khu vực, 2 tác phẩm đạt giải thưởng cấp tỉnh) rất khó đối với hội viên địa phương.
*Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu có cơ cấu giải, gồm: Giải A (20 triệu đồng), giải B (12 triệu đồng) và giải khuyến khích (5 triệu đồng). Số lượng giải thưởng mỗi thể loại VHNT được Hội đồng xét giải thống nhất đề xuất trên cơ sở chất lượng tác phẩm. Kinh phí giải thưởng được sử dụng từ ngân sách tỉnh và nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
TRỌNG LỢI