Trong niềm vui cuộc sống mở toang ra
Ghi chép của VŨ ĐÌNH THUNG
Cuộc sống như mở toang ra. Có lẽ đó là cảm nhận của mọi người khi các chốt chặn phòng, chống Covid-19 ở quê mình đã được tháo gỡ. Đến lạ, cũng con đường ấy, cũng quang cảnh ấy, thế nhưng khi còn chốt chặn dựng ngay đầu đường thì trông nó bỗng như bị thu hẹp lại, chật chội và câm lặng. Thế nhưng khi chốt chặn được tháo gỡ, con đường không to hơn tí nào mà bỗng như thênh thang ra, quang cảnh tươi sáng hẳn lên, dù hôm nay trời đầy mây và nắng rất nhạt.
Sự phấn khích buộc tôi dắt chiếc xe máy cà tàng gần 3 tháng ròng rã không được khởi động ra sân. Đề mãi cuối cùng chiếc xe cũng bị sự háo hức của tôi khuất phục, sau một hồi lụp bụp nó cũng nổ giòn tan. Hình ảnh chầm chậm lướt qua, âm thanh rộn rã kéo đến, màu sắc và tiếng người chừng như mới mẻ quá. Vòng qua Vĩnh Liêm, vùng đất chuyên trồng hoa cúc bán Tết ở phường Bình Định, mắt tôi bỗng sáng lên khi chạm vào màu xanh của những chậu cúc vừa được hơn 1 tháng tuổi. Nổi bật lên trên màu xanh của những chậu cúc là những chiếc dù nhiều màu sắc. Những chiếc dù được dựng để những người chăm cúc ngồi làm việc tránh mưa tránh nắng. Lân la hỏi chuyện mấy người đang ngồi ngắt đọt cúc, tôi được biết là năm nay những hộ trồng cúc ở đây đã giảm số lượng trồng. Nguyên nhân do sợ năm nay dịch giã không ai làm ăn được gì, lo cái ăn đã vất vả, lấy tiền đâu mua hoa chơi Tết.
Tranh của họa sĩ VÕ ĐỨC LONG
Chỉ tính riêng phường Bình Định, mỗi vụ hoa Tết có khoảng 70 hộ trồng chừng 20.000 chậu hoa cúc. Chỉ một số ít tiêu thụ tại địa phương, còn hầu hết là đưa đến nơi khác. Thế nên mối lo lớn nhất của những người trồng cúc năm nay là từ giờ đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nếu việc mua bán không khá hơn thì khó mà tìm cho ra khách mua hoa chưng Tết.
Với 700 chậu, năm nay bà Hồ Thị Hoàng là người trồng nhiều cúc nhất phường Bình Định. “Bữa nay tui làm không biết mệt, bởi các chốt trên địa bàn thị xã đều mở, bấy nhiêu thôi mà vui. Tính từ khi xuống giống đến khi xuất bán, 700 chậu cúc “nuốt” của tui mất 140 triệu đồng chớ ít đâu. Mong sao từ giờ tới Tết dịch giã lắng xuống, ai ai cũng làm ăn trở lại để có tiền mua hoa chơi Tết”, giọng bà Hoàng ấm áp! Lo nhưng vẫn xuống giống, xuống giống nhưng giảm số lượng và hy vọng. Có điều gì đó tin yêu vẫn rạng trên gương mặt trồng hoa.
Niềm vui “không còn chốt chặn” lan tỏa đến vùng biển. Mà không vui sao được, khi không còn những chốt chặn đồng nghĩa thương lái khắp nơi thoải mái về cảng cá thu mua thủy sản mang đi bán ở các chợ quê. Sản phẩm đánh bắt của các tàu cá thoát cảnh ế ẩm, giá cả các loại thủy sản theo sức tiêu thụ mà bức phá tăng lên, những chuyến biển của ngư dân không còn lỗ tổn như thời gian vừa qua.
Theo các chủ tàu cá, những chuyến biển vừa qua phí tổn tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Bởi giá nhiên liệu đã tăng, mà các tàu cá còn gánh thêm khoản chi phí test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho thuyền viên trước khi tàu ra khơi và sau khi tàu cập bờ bán sản phẩm. Thêm vào đó, giá các loại thủy sản liên tục giảm sâu do ách tắc đường tiêu thụ, nên dù nhiều tàu cá đánh bắt rất đạt sản lượng, nhưng cứ phải chịu lỗ tổn đến cả vài chục triệu đồng mỗi chuyến biển. Bây giờ các chốt đã mở, giao thương hanh thông trở lại, chuyến biển này ngư dân vươn khơi với tâm trạng mở toang niềm hy vọng bội thu khi trở về.
Bây giờ, mỗi khi đi qua những chốt chặn, tôi bỗng nhớ lại hình ảnh những người trực chốt ngồi co ro dưới chiếc dù trong bộ đồ mưa tiện lợi, chống chọi với cơn mưa đầu mùa. Nhiều người cứ nghĩ mưa tầm này chưa lạnh đâu, xin thưa khi đêm về lạnh đến run cầm cập đấy. Lạnh mà họ vẫn phải bám chốt, không dám tìm chỗ né gió để kiếm chút hơi ấm. Bởi họ lo chỉ chút lơ là có thể sẽ đánh đổi hậu quả khôn lường, dịch bệnh lây lan và công sức của bao người sẽ trôi xuôi hoài phí.
Tôi đi ngang qua TTYT TX An Nhơn, nơi cách đây chưa lâu còn là “chiến tuyến” khốc liệt trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Từ ca nhiễm SAS-CoV-2 đầu tiên xuất hiện ở xã Nhơn Khánh vào ngày 10.7, chẳng bao lâu sau dịch bệnh lây lan đến chóng mặt, sau đó hình thành nên 5 ổ dịch lớn tại 2 xã Nhơn Phong, Nhơn An và 3 phường Bình Định, Nhơn Hưng, Đập Đá. Từ 1 bệnh nhân ban đầu, đến nay TTYT TX An Nhơn đã tiếp nhận 166 bệnh nhân mắc Covid-19. Hàng trăm bệnh nhân là hàng trăm hoàn cảnh. Có bệnh nhân đã cao tuổi, có bệnh nhân mới chỉ 12 ngày tuổi. Có trường hợp cả gia đình 8 - 9 người đều là bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân nào cũng nhập viện với tâm lý cực kỳ hoang mang. Ngoài điều trị, các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TTYT TX An Nhơn không ngớt động viên bệnh nhân để tiếp thêm sức mạnh tinh thần, đó cũng là yếu tố để bệnh nhân nhanh khỏi bệnh. Nỗ lực của đội ngũ y tế của TTYT TX An Nhơn đã được đền đáp. Hiện đã có 165 bệnh nhân xuất viện, chỉ còn ca bệnh cuối cùng là 1 bệnh nhi giờ sức khỏe cũng đã ổn. Đáng mừng hơn là đã qua 30 ngày An Nhơn không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng. Đó là lý do để An Nhơn tháo gỡ hết các chốt chặn từ ngày 27.9.
Có nghe bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn kể, tôi mới hình dung được phần nào nỗi cơ cực, sự tận tụy của đội ngũ y tế của An Nhơn trong thời gian qua. Bác sĩ Bình ví von cường độ làm việc của anh em trong thời gian qua với câu nói thật đơn giản, nhưng ai nghe qua cũng có thể hình dung. “Xưa ông bà mình nói ẵm em thì khỏi xay lúa, nhưng khi chống dịch Covid-19, ai cũng vừa ẵm em vừa xay lúa thậm chí vừa nấu cơm. Mỗi người đều làm việc gấp 3 gấp 4 so với sức mình”.
Trong tháng 7 và tháng 8, thời gian Bình Định đón người từ các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch ào ạt, công việc của đội ngũ y tế cũng dồn dập theo. Và nay còn quãng 10 ngày nữa là đúng 3 tháng, các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TTYT TX An Nhơn mới được về nhà. Bởi, trong lúc chống dịch, đội ngũ y tế phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, nên làm xong ở lại cơ quan là cách bảo toàn sức khỏe cho người trong gia đình. Đến cả văn phòng làm việc của Giám đốc TTYT TX An Nhơn cũng đóng cửa suốt mấy tháng nay đấy thôi. Bởi, ông mãi miết ở “chiến tuyến” chứ có bao giờ được về cơ quan. Và ông cũng chỉ mới được gặp vợ gặp con mấy ngày nay, cùng lúc các chốt chặn trên các tuyến đường được đồng loạt tháo gỡ. Sự hy sinh của đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế của An Nhơn càng lớn bao nhiêu thì bây giờ họ càng thấy niềm hạnh phúc tràn trề bấy nhiêu. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả là giữ được sinh mệnh của hàng trăm bệnh nhân trong cơn đại dịch.
Chiếc xe cà tàng của tôi như đã hồi phục đủ sức lực, vòng bánh xe bon nhanh trên những cung đường quê hương, tôi như cảm nhận được nhịp sống sinh sôi đang râm ran về trong từng làn gió, trong từng lượm nắng vàng hươm…