CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở CÁC KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP:
Hạ tầng đảm bảo, chuyển biến tích cực
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Tỉnh chú trọng lựa chọn những nhà đầu tư có tiềm lực và mục tiêu phát triển theo hướng bền vững để góp phần bảo vệ môi trường.
Chú trọng hệ thống xử lý nước thải
Theo đánh giá của Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh: Việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (bvmt) ở KKT Nhơn Hội và các khu công nghiệp (KCN) ngày càng được nâng cao và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tất cả các KKT, KCN đi vào hoạt động hiện nay đều đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đảm bảo theo quy định. Hầu hết các DN đều đã chấp hành việc đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.
Các ngành chức năng kiểm tra việc giám sát hệ thống thu gom, xử lý nước thải qua camera của một DN ở KCN Phú Tài (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: H.P
Phó trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Nguyễn Thanh Nguyên cho biết: Các công trình xử lý nước thải tại các KKT, KCN đã được Ban quản lý KKT và các chủ đầu tư KKT, KCN đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào vận hành ổn định, có hiệu quả. Trong đó, Ban đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung phục vụ chung cho các KCN (công suất 2.000 m3/ngày đêm), đáp ứng 100% nhu cầu xử lý nước thải của các DN thứ cấp trong các KCN. Chất lượng nước thải sau xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường, phù hợp với giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Tại KCN Nhơn Hòa, chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 1.000 m3/ngày đêm. Đến nay, 100% cơ sở sản xuất đang hoạt động ở KCN đã đấu nối nước thải, lưu lượng khoảng 95 m3/ngày đêm. Đại diện Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Hòa thông tin thêm: “Hệ thống xử lý nước thải được thiết kế hiệu suất xử lý đạt cấp độ B (theo QCVN 40:2011/BTNMT) và đã được UBND tỉnh cấp phép xả nước thải vào nguồn nước. Hiện nay, Công ty đang đầu tư nâng cấp quy mô hệ thống xử lý nước thải lên 4.000 m3/ngày đêm và lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động kết nối dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo quy định”.
Nhờ đảm bảo hạ tầng - kỹ thuật nên các chỉ tiêu về chất lượng môi trường tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh như: Môi trường không khí xung quanh, môi trường nước mặt, nước dưới đất, chất lượng nước thải sau xử lý, quản lý chất thải rắn, kiểm soát khí thải… đều ở trong các ngưỡng cho phép, đảm bảo đúng quy định pháp luật về BVMT.
Chủ động phối hợp, tăng cường quản lý
Song song với đó, Ban quản lý KKT tỉnh cũng tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, quản lý nhà nước lĩnh vực BVMT, hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra ô nhiễm, gây tác động đến môi trường.
Trong công tác tuyên truyền, Ban quản lý KKT tỉnh đã thành lập Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật và hằng năm đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các DN. Kết quả, có khoảng 75% DN trên địa bàn tham gia.
Năm 2020, Ban quản lý KKT tỉnh đã tuyên dương, trao giấy chứng nhận và biểu trưng cho 16 DN thực hiện xuất sắc công tác BVMT được xếp hạng màu xanh lá; 32 DN thực hiện tốt công tác BVMT được xếp hạng màu xanh dương; 68 DN thực hiện đạt yêu cầu về công tác BVMT trong KKT Nhơn Hội và các KCN.
Giai đoạn 2017 - 2020, Ban quản lý KKT tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 227 lượt kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác BVMT tại các DN ở KKT Nhơn Hội và các KCN. Trong đó, đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ đề nghị Thanh tra Sở TN&MT xử lý vi phạm hành chính 8 vụ việc với tổng số tiền phạt hơn 770 triệu đồng. Riêng năm 2021, Ban cùng các ngành đã phát hiện và chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở TN&MT xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV Nhật Nam Hưng 210 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng vì có nhiều vi phạm trong lĩnh vực BVMT.
Tuy vậy, thực tế thấy rằng, công tác BVMT ở các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là đa phần các DN đầu tư dự án tại các KCN có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất có mức độ hiện đại hóa không cao. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, một số DN còn phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng nên sự quan tâm thực hiện công tác BVMT có phần sụt giảm.
Nói về giải pháp BVMT trong thời gian tới, Phó trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Nguyễn Thanh Nguyên chia sẻ: Đơn vị sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu UBND tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các loại hình sản xuất đầu tư trong các KKT, KCN; ưu tiên và chỉ chấp thuận dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác BVMT tại các KKT, KCN, nhất là thu mẫu chất thải, nước thải, khí thải định kỳ và đột xuất đối với các DN nhằm nâng cao ý thức BVMT.
HỒNG PHÚC