Tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá
Công tác đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá vốn đã rất quan trọng, khi áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 9.2021), sẽ tiếp tục được tăng cường thêm một bậc nữa.
Theo quy định, tàu cá được kiểm tra an toàn kỹ thuật mỗi năm một lần, kiểm tra trên đà hai năm rưỡi một lần, kiểm tra định kỳ 5 năm một lần. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã kiểm tra an toàn kỹ thuật tổng cộng 1.977 tàu của ngư dân trong tỉnh. Nhờ được tuyên truyền, thông tin kịp thời về những thay đổi, yêu cầu đối với đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá, đồng thời cũng là một trong những nội dung thực thi Luật Thủy sản 2017, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nên so với những năm trước, hầu hết các chủ tàu đều chấp hành tốt.
Tàu cá đang được sửa chữa tại phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn. Ảnh: HOÀI THU
Ngư dân Phan Thanh Tỉnh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá BĐ91063-TS khai thác xa bờ, chia sẻ: Tàu tôi lắp đặt các trang thiết bị an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy định, đáp ứng đủ yêu cầu để được cấp giấy phép khai thác thủy sản, hơn nữa làm như vậy còn là để bảo vệ tài sản của mình, an toàn cho thuyền viên. Cùng với việc kiểm tra về vỏ tàu, máy tàu, nay cơ quan chức năng còn rất chú trọng đến trang bị an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, đặc biệt là về phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc...
Theo ông Trần Văn Vinh, về cơ bản, quy chuẩn mới cũng giống như trước đây, nhưng có một số điểm cụ thể hơn, điều chỉnh mới. Ở góc độ kỹ thuật bao giờ cũng cần độ lùi thời gian khoảng từ 6 tháng đến 1 năm chính sách đi vào thực tế, có phản hồi cụ thể từ ngư dân, khi đó mới có thể phân tích, đánh giá toàn diện những mặt được và cần phải hiệu chỉnh, nhất là trong việc đóng mới, sửa chữa tàu cá.
Một trong những hạng mục bắt buộc phải có là thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với toàn bộ tàu cá hoạt động ở vùng khơi (chiều dài 15 m trở lên). Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, phân tích: Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thông qua hệ thống giám sát hành trình có thể xác định chính xác vị trí tàu trên biển hiện tại cũng như hướng di chuyển, khu vực tập trung nhiều tàu... để thông báo, nhắc nhở tàu di chuyển đến khu vực an toàn. Nếu chẳng may tàu bị chìm hoặc hỏng máy phải thả trôi trên biển, VMS không chỉ giúp hệ thống cảnh báo xác định vị trí con tàu, mà còn cho phép các tàu ở gần đó dễ dàng xác định được tọa độ tàu gặp nạn để đến hỗ trợ. 9 tháng đầu năm 2021, ở đội tàu đánh cá của tỉnh ta có 15 sự cố, tai nạn khiến tàu chìm, hỏng máy phải thả trôi trên biển, nhưng nhờ thông tin liên lạc kịp thời nên phần lớn các trường hợp này đều được ứng cứu kịp thời.
Từ ngày 8.9.2021, việc đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá bắt đầu áp dụng quy chuẩn mới theo Thông tư số 07/2021 của Bộ NN&PTNT. Ở tỉnh ta có khoảng hơn 3.300 tàu cá, 7 cơ sở đóng mới, cải hoán, phục hồi, sửa chữa tàu cá là đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy chuẩn này. Ông Trần Văn Vinh cho biết, thời gian tới, nếu Tổng cục Thủy sản tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Thông tư số 07/2021, chúng tôi sẽ thông báo các cơ sở đóng tàu, chủ tàu cá quan tâm tham gia để được tìm hiểu, hướng dẫn và có thêm ý kiến trao đổi cụ thể từ thực tế hoạt động.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chi cục Thủy sản đặt ra trong 3 tháng cuối năm 2021 là kiểm tra các trang thiết bị tàu cá hoạt động trên biển trong mùa mưa bão sắp đến. Ngoài việc kiểm tra các tàu cá đến thời hạn theo quy định, các tổ IUU tại các cảng cá sẽ thực hiện chặt chẽ công tác này hơn đối với các tàu cá trước khi xuất bến. “Qua thực tế kiểm tra và tìm hiểu từ các tàu cá gặp sự cố, khi thời tiết xấu, có mưa to, sương mù hay vào ban đêm thì các tàu cá phải tuân thủ quy định bật hệ thống đèn hiệu để các tàu khác nhận biết; thuyền trưởng phân công thêm thuyền viên cùng chia ca trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện những nguy cơ; thuyền viên mặc áo phao trang bị sẵn trên thuyền để chủ động đề phòng...”, ông Vinh lưu ý.
HOÀI THU