Vân Canh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
Vân Canh là địa bàn cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số: Chăm H’roi, Bana, Thái, Mường… góp phần tạo nên một nền văn hóa truyền thống đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.
Đậm đà bản sắc
Ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng Phòng VH&TT huyện, cho biết: Di sản văn hóa phi vật thể và vật thể ở các xã, khu phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là dân tộc Chăm H’roi và Bana hiện còn lưu giữ, duy trì khá đa dạng. Cụ thể, có 7 loại hình ở di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian. Có 2 loại hình di sản văn hóa vật thể, gồm: Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Đến nay, cùng với tiếng nói, Nhà nước đã hỗ trợ biên soạn sách dạy chữ Chăm H’roi, trong đó có cả bộ tài liệu dạy tiếng Chăm H’roi giúp cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại Vân Canh có thêm cơ hội giao tiếp với đồng bào. Không chỉ có vậy, Trung tâm VH-TT&TT huyện còn xây dựng chương trình phát thanh tiếng Chăm H’roi, tiếng Bana 2 lần/tuần với thời lượng 15 phút/chương trình, phát trên sóng đài huyện và được các đài truyền thanh xã, thị trấn tiếp phát, góp phần bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào.
Các phong tục, tập quán xã hội như: Nghi lễ vòng đời, lễ cúng, lễ tết được thể hiện khá rõ nét trong cách ứng xử của cộng đồng dân cư, trong giao tiếp, trong ma chay, cưới hỏi... Các lễ hội: Mừng lúa mới, cưới, đổ đầu, cầu mưa, ăn heo ký… vẫn đang được người dân duy trì tổ chức tại gia đình. Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Chăm H’roi, Bana trên địa bàn như: Diễn tấu cồng, chiêng, độc tấu đàn goong, trống kơtoang đối đáp… vẫn được bà con tổ chức sinh hoạt, trình diễn trong các sinh hoạt cộng đồng.
Ngoài ra, đồng bào Chăm H’roi, Bana còn duy trì nghề đan lát và dệt thổ cẩm để làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày (gùi, cắp, rổ…), giữ lại được nhiều bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các dịp lễ hội do địa phương, huyện, tỉnh tổ chức…
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết UBND huyện đã quy hoạch địa điểm xây dựng nhà văn hóa cộng đồng ở khu phố Suối Mây (thị trấn Vân Canh) và đưa dự án này vào danh mục nguồn vốn đầu tư công thực hiện trong năm 2022. Hiện nay, huyện đang xin chủ trương của tỉnh để thực hiện công trình này.
“Sau khi xây dựng, nhà văn hóa cộng đồng sẽ là nơi lưu giữ, trưng bày, quảng bá giá trị lịch sử các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương; trở thành địa điểm tham quan, du lịch cho du khách. Đồng thời, có chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đối với người tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, đang nắm giữ các di sản văn hóa truyền thống và nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước công nhận”, ông Việt cho biết thêm.
Ngoài ra, UBND huyện Vân Canh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Huyện ủy về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2026, với nhiều giải pháp như: Biên soạn, in bộ sách giới thiệu về kho tàng văn học dân gian, các lễ hội, trò chơi, trò diễn của các dân tộc; các phong tục, tín ngưỡng, các nghi lễ; các loại hình nghệ thuật biểu diễn như âm nhạc, múa… và văn hóa ẩm thực, các đặc sản vùng miền, các nghề truyền thống. Hỗ trợ đầu tư, xây dựng điểm làng văn hóa gắn liền với tên gọi truyền thống, địa danh, lịch sử và các sản phẩm du lịch, món ăn đặc trưng để phát triển du lịch cộng đồng. Phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với xây dựng hệ thống điểm du lịch ở các địa phương một cách đồng bộ và khoa học, nhất là nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên”, qua đó đưa hoạt động này thành những sản phẩm du lịch đặc trưng vùng, miền, thu hút đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.
TRỌNG LỢI