Một đảng viên suốt đời tận tụy công việc
Đó là bà Nguyễn Thị Xuân Hương (84 tuổi - 65 tuổi Đảng, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, làm cán bộ ngành Thương nghiệp, cán bộ cơ sở… ở vị trí nào bà Hương cũng phấn đấu không ngừng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đảng viên mẫu mực được mọi người kính trọng.
Sớm giác ngộ cách mạng
Nguyễn Thị Xuân Hương sinh năm 1930 tại xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, có cha và anh đều là những đảng viên tham gia hoạt động cách mạng, cô bé Xuân Hương đã sớm được bồi đắp tinh thần yêu nước.
* Thưa bà, bà đã tham gia phục vụ cho cách mạng khi nào?
- Ba tôi đi thoát ly hoạt động cách mạng trên huyện, thỉnh thoảng về quê tham gia họp chi bộ Đảng của xã Tân Triều (nay thuộc xã Nhơn Hạnh), lại cho tôi (khi ấy khoảng 13, 14 tuổi) tham gia phục vụ trà nước kiêm cảnh giới bên ngoài… Năm 17 tuổi, tôi tham gia hoạt động rất tích cực trong phong trào thanh niên ở xã, thường xuyên đi đầu trong việc cổ động, tuyên truyền về cách mạng. Nhờ vậy, tôi được rút từ cơ sở lên tham gia Ban chấp hành Đoàn thanh niên huyện An Nhơn, rồi làm Phó bí thư Huyện đoàn. Tháng 4 năm 1949, lúc 19 tuổi, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
* Kỷ niệm nào thời kỳ hoạt động thanh niên đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bà?
- Nhớ nhất là những lần tôi phụ trách dẫn các đoàn nữ thanh niên dân công huyện An Nhơn vượt hàng trăm cây số đường rừng để đến bàn giao cho các trạm trung chuyển ra Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường đèo núi hiểm trở, lại thường phải đi vào ban đêm để không bị địch phát hiện. Để tránh bị thất lạc, các thành viên trong đoàn phải đọc to số thứ tự khi di chuyển. Người đi đầu tiên đọc số 1, các người phía sau đọc lần lượt theo số thứ tự cho đến đủ số người, rồi tiếp tục quay lại đọc từ đầu. Đi nhiều ngày đường gian khổ, đối mặt với những hiểm nguy rình rập, nhưng các chị em thanh niên khi ấy ai cũng hăng hái.
* Những năm tháng hoạt động cách mạng ngay ở quê hương, bà phải đối mặt với những nguy hiểm nào?
- Sau khi mọi người tập kết ra Bắc, tôi và một số đảng viên trẻ được phân công tiếp tục bám trụ ở lại hoạt động tuyên truyền cách mạng. Chúng tôi trú ẩn một căn hầm trong vườn nhà một cán bộ cách mạng đã đi tập kết thuộc địa phận xã Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn hiện nay. Địch đã nhiều lần “đánh hơi” kéo vào lùng sục ở phía trên hầm nhưng may mắn chúng không phát hiện. Ban ngày nằm miết dưới hầm, đến đêm tôi lại trèo lên đi vận động người dân ủng hộ phong trào đấu tranh cách mạng.
Sau nhiều ngày nằm dưới hầm nóng bức, ăn uống kham khổ, tôi bị lên sởi nặng nên sức khỏe ngày càng suy kiệt. Khi ấy, cơ sở cũng báo hầm chúng tôi đã bị lộ, bọn địch sẽ tới vây bắt… nên tôi được cấp trên cho tập kết ra Bắc vào năm 1955. Khi đi tàu biển ra đến Thanh Hóa, tôi được chuyển xuống bệnh viện ở đây chữa trị hết mấy tháng mới khỏi bệnh.
Cống hiến xây dựng ngành Thương nghiệp
Vừa ra đến thủ đô Hà Nội, bà Nguyễn Thị Xuân Hương được sắp xếp đi học lớp bồi dưỡng chính trị trong 3 tháng, rồi được phân công tham gia cùng với các chiến sĩ công an quận Ba Đình đi xuống cơ sở xếp loại các đối tượng phải tập trung cải tạo để góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị tại thủ đô. Sau đó, bà Xuân Hương được điều động về công tác tại ngành Thương nghiệp Hà Nội.
* Từ một cán bộ thực hiện nhiệm vụ, tuyên truyền cách mạng ở cơ sở, vậy bà làm thế nào để đáp ứng yêu cầu công tác trong ngành Thương nghiệp?
- Bên cạnh việc tích lũy dần kinh nghiệm trong công việc, tôi còn được cho đi học thêm nhiều lớp bồi dưỡng của Đảng để vững vàng hơn về cơ sở lý luận chính trị. Dù bận rộn công việc nhưng tôi vẫn cố gắng từng bước nâng cao trình độ học vấn. Năm 1971, tôi đã hoàn thành đại học quản lí kinh tế thương nghiệp hệ chuyên tu tại chức. Đây là những cơ sở để tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
* Sự tín nhiệm ắt xuất phát từ những nỗ lực của bà?
- Tôi được phân về công tác tại Công ty Mậu dịch Bách hóa Hà Nội. Đây là một doanh nghiệp nhà nước lớn trực thuộc Sở Thương nghiệp Hà Nội, có hệ thống mạng lưới kinh doanh rộng
khắp với nhiều cửa hàng tại khắp các quận nội thành. Đối với các cửa hàng ở cơ sở, tôi luôn đi sâu sát thực tế để quản lý chặt, nghiên cứu tổ chức sáng tạo nhiều hoạt động chuyên môn phục vụ hiệu quả cho việc phát triển kinh doanh của công ty. Tôi đã có 7 năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được tín nhiệm đề bạt lên làm Phó
Giám đốc, rồi Quyền Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Công ty Mậu dịch Bách hóa Hà Nội.
Nhờ làm tốt công tác quản lý và tạo được sự đoàn kết trong tập thể cán bộ công nhân viên, Công ty Mậu dịch Bách hóa Hà Nội luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua trong các công ty ở thủ đô khi ấy, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
* Đang quản lý tốt một công ty lớn ở Hà Nội, vì sao bà trở về quê hương làm việc?
- Sau giải phóng, Bộ Công Thương tính điều tôi vô làm giám đốc một ty lớn ở TP HCM. Tuy nhiên, năm 1977, tôi quyết định trở về tham gia xây dựng quê nhà. Mới chân ướt chân ráo nhận công tác tại Sở Thương nghiệp Nghĩa Bình, tôi đã có kỷ niệm đáng nhớ khi được phân công về quê Nhơn Hạnh để vận động người dân cải tạo nông nghiệp. Lúc ấy vẫn còn một số đối tượng chống đối cứ chờ ruộng người dân cấy xong thì xuống quậy phá. Khi tôi đến vận động thì bị một người phụ nữ cắn rất mạnh vào cánh tay tôi chảy máu. Cố nén cơn đau và giận, tôi vẫn bình tĩnh phân tích, cho mọi người hiểu để thuyết phục họ xong mới lên trạm xá băng bó vết thương.
Tôi vừa làm vừa tích lũy dần kinh nghiệm từ thực tiễn, không ngừng học hỏi thêm. Sự nỗ lực của tôi đã được ghi nhận khi được giao đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc kiêm Trưởng Phòng Nghiệp vụ kinh doanh của Sở Thương nghiệp Nghĩa Bình. Tôi luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm, không ngại va chạm trong việc đấu tranh chống tiêu cực để góp phần xây dựng tỉnh nhà.
Nghỉ hưu mà không nghỉ…
Sau khi nghỉ hưu năm 1990, bà Nguyễn Xuân Hương lại tiếp tục được địa phương tín nhiệm cơ cấu tham gia Đảng ủy, Hội LHPN, Hội Chữ thập đỏ các phường Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt. Xuống đến “cấp khu vực”, bà Hương đã có nhiều năm làm bí thư Chi bộ khu vực, rồi Chi hội trưởng Chi hội chữ thập đỏ khu vực 3 phường Lý Thường Kiệt… Nhiệm vụ nào cũng bà Xuân Hương cũng hoàn thành tốt.
* Được biết, bà có nhiều kinh nghiệm cảm hóa các đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến?
- Hồi còn làm Chủ tịch Hội LHPN phường Lý Thường Kiệt, hay Bí thư chi bộ khu vực, tôi cũng đã góp phần cảm hóa được khá nhiều đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến. Có cháu thanh niên ở khu vực rất quậy phá, nhưng khi cháu bị đau thì tôi vẫn mua đường sữa đến thăm, phân tích phải trái để vận động. Nhờ vậy mà cảm hóa được cháu tu tâm dưỡng tính để sống tốt hơn.
Tôi cũng đã từng tổ chức nhiều buổi tọa đàm cho phụ nữ có con cái hư hỏng để bàn biện pháp giáo dục. Có thanh niên chậm tiến bị mẹ răn dạy đã tìm đến tận nhà hăm dọa đòi “xử” tôi. Tôi bình tĩnh phân tích phải trái, nên sau đó cháu đã xin lỗi tôi…
* Suốt 15 năm qua, bà đã đảm nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu vực 3 phường Lý Thường Kiệt. Trong điều kiện tuổi cao sức yếu, bà đã thực hiện công việc như thế nào?
- Muốn làm tốt công tác chữ thập đỏ thì phải biết cách vận động tốt qua việc gần gũi, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân. Dù sức khỏe yếu nhưng tôi thường xuyên đi đến nhà các nhà dân trong khu vực để trò chuyện, thăm hỏi, nhất là nhà có những người cao tuổi để chia sẻ tâm tư cùng họ. Gặp những lúc những người ốm đau mà hoàn cảnh đơn chiếc, tôi còn đi mua đồ ăn thức uống cho, hay dọn dẹp vệ sinh giùm họ để tạo sự thân tình. Mọi nguồn thu chi đều phải có văn bản, sổ sách rõ ràng, minh bạch. Như vậy, mới tạo được sự tin tưởng ủng hộ của mọi người.
* Năm nay đã 84 tuổi, bà đã có ý định dừng lại công việc sau cả cuộc đời cống hiến?
- Vào đúng ngày sinh nhật Bác hôm nay (19.5), tôi sẽ đón nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Tôi thấy hài lòng vì mình chưa bao giờ ngừng nghỉ thực hiện nhiều nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Những lời dạy của Bác Hồ về trách nhiệm của người đảng viên đã trở thành “kim chỉ nam” để tôi không ngừng phấn đấu.
Tôi chưa có ý định nghỉ công tác chữ thập đỏ, nhưng nhiều người đã nói trước nếu không còn tôi thì người khác sẽ khó vận động họ tham gia ủng hộ. Đó là lý do tôi vẫn phải tiếp tục có trách nhiệm với công việc.
* Xin cảm ơn bà!. Chúc bà có thêm nhiều sức khỏe để tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu của người đảng viên.
HOÀI THU (Thực hiện)