Mùa trái ngọt trên vùng gò đồi
Thời gian qua, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT để cải tiến quy trình chăm sóc; nhờ đó biến những vùng đất gò, đồi khô cằn thành vùng đất trù phú, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương (xã Ân Mỹ) và ông Đặng Văn Cấp (xã Ân Tường Tây) là những người đi đầu ở huyện Hoài Ân, chuyển đổi thành công hàng chục hecta đất gò đồi với các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Quýt đường, bưởi da xanh, bơ, tiêu... Nhờ vậy, các hộ này có doanh thu mỗi năm từ 500 - 700 triệu đồng, tăng gấp 5 - 6 lần so với trước.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, ở xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: HỒNG HÀ
Ông Cấp kể: “Vùng này trước đây chỉ trồng được những cây chịu hạn như: Keo, điều và dừa, thu nhập ít, đìu hiu lắm. Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT, nhiều nhà có vườn cây trái xum xuê, thu nhập tăng đáng kể”. Còn bà Hương cho biết: “Chúng tôi đã bỏ ra nhiều năm để cải tạo đất trồng bằng việc sử dụng các loại phân hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm để quản lý độ ẩm, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng bằng các loại chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên như: Gừng, tỏi, sả, ớt để xua đuổi côn trùng, sâu bệnh gây hại. Đồng thời, trồng xen canh các loại cây dưới tán để hạn chế cỏ dại, chống xói mòn đất. Điều này vừa giúp tiết kiệm nước tưới vừa tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho gia đình”.
Tại huyện Phù Cát, nông dân cũng tích cực chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả, đất gò đồi sang trồng đậu phụng. Từ đó, đưa đậu phụng trở thành cây làm giàu của huyện. Ông Nguyễn Hồng, ở thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, so sánh: “Trên diện tích 3 ha của gia đình, trước kia trồng keo 6 - 7 năm mới thu về khoảng 70 triệu đồng/ha. Giờ, chuyển sang trồng đậu phụng, mỗi vụ tôi thu 14 tấn, khoảng 300 triệu đồng. Ngoài trồng đậu, tôi còn nuôi bò, heo, gà để tăng thêm thu nhập!”. Tương tự, ông Ngô Văn Sinh, cùng thôn Hội Vân, chia sẻ: Chân đất vùng này vốn là đất cát, thiếu nước tưới, có nước tưới cũng dễ bốc hơi. Từ ngày có công nghệ tưới nhỏ giọt, mình vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa đảm bảo giữ độ ẩm cho đất rất tốt, nên cây đậu phụng dễ đạt năng suất cao.
Nông dân Phù Cát thu hoạch đậu phụng. Ảnh: HỒNG HÀ
Phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn cũng có nhiều hộ nông dân áp dụng các biện pháp canh tác mới để trồng xoài cát Hòa Lộc hiệu quả trên đất gò đồi. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng rải vụ, xử lý xoài ra hoa nghịch vụ, cải tiến quy trình chăm sóc và áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tiên tiến, ông Trịnh Thịnh, nông dân trong phường, đã biến 27 ha đất gò đồi, bạc màu của gia đình thành vùng “đất vàng”, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 150 tấn xoài, cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.
Cho tới nay, Hoài Ân, Phù Cát là những huyện đi đầu trong tỉnh về phát triển vùng kinh tế gò đồi. Trong chiến lược phát triển kinh tế của hai huyện, kinh tế vùng gò đồi được xác định là một trong những chương trình trọng điểm. Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “UBND huyện đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất. Sắp tới, bên cạnh việc mở rộng và phát triển diện tích cây ăn quả, huyện sẽ đẩy mạnh mở rộng diện tích theo hướng quy mô hàng hóa, tiến tới xây dựng các vùng sản xuất tập trung, áp dụng các tiến bộ KHKT để phát triển bền vững”. Tương tự, huyện Phù Cát cũng xác định cây đậu phụng là cây thế mạnh nên thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, nhân rộng mô hình liên kết chuỗi để gia tăng giá trị và hiệu quả của cây đậu phụng.
UBND tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiệu quả của việc chuyển đổi này thì đã rõ. Tuy vậy, trên thực tế ở một số địa phương có địa hình khó canh tác, nguồn nước tưới thiếu ổn định, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, việc vận động bà con thực hiện chuyển đổi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
HỒNG HÀ