Tuyển sinh đại học năm 2021: Ðiểm chuẩn tăng cao và những vấn đề đặt ra
Ðến nay, có trường đại học đã chốt đủ số lượng sinh viên kỳ tuyển sinh năm 2021, có trường vẫn tiếp tục tuyển bổ sung. Ðây là kỳ tuyển sinh có điểm chuẩn tăng so với mọi năm, cũng đồng thời đặt ra những vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh đại học và thi tốt nghiệp THPT.
Sau khi lọc số lượng nguyện vọng ảo, cuối tháng 9.2021, Trường ĐH Quy Nhơn xác định khoảng 4.500 tân sinh viên chính thức nhập học năm học 2021 - 2022. Không nằm ngoài xu hướng chung của kỳ tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Quy Nhơn cũng ghi nhận điểm chuẩn cao hơn năm trước từ 1 - 6 điểm. Theo TS Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo, điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Quy Nhơn là 25 điểm đối với ngành Sư phạm Toán học và Sư phạm Hóa học; kế đến là 24 điểm đối với các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Giáo dục Tiểu học.
Hướng dẫn thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học trực tiếp tại Trường ĐH Quang Trung. Ảnh: M.HOÀNG
Điểm chuẩn tăng, thậm chí tăng cao ở một số ngành, xuất hiện tình trạng thí sinh dù điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức cao nhưng vẫn trượt đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dễ, chỉ yêu cầu đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, độ phân hóa hạn chế, phạm vi kiến thức hẹp hơn, không còn thực sự phù hợp với việc xét tuyển đại học, nhất là trường tốp đầu. Kết quả là mặt bằng phổ điểm các môn thi năm nay đều tăng mạnh, cá biệt có những tổ hợp, tổng số bài thi đạt điểm giỏi (từ 8 - 10 điểm) tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…
TS Lê Xuân Vinh cho hay: Mục tiêu tuyển sinh của trường đại học là tuyển chọn những học sinh càng giỏi càng tốt, và ít nhất là đủ năng lực để theo học chương trình đào tạo của ngành thí sinh lựa chọn ở bậc đại học. Để đạt được mục tiêu này, trường đại học có nhiều phương án, hình thức tuyển sinh, mỗi hình thức lại có một hệ quy chiếu để xác định điểm chuẩn. Điểm thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương tiện để thực hiện mục tiêu tuyển sinh đại học. “Trường đại học phải chủ động khi xây dựng phương án tuyển sinh, về nguồn tuyển, về điều kiện sơ tuyển, về các tiêu chí phụ, về tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức nếu có nhiều phương thức xét tuyển để có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT cho tuyển sinh như năm nay”, ông Vinh nói.
Còn TS Trần Thị Việt Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung, cho rằng, trong 2 năm 2020 và 2021, điểm xét tuyển vào đại học ngày càng tăng cao. Quanh hiện tượng này có nhiều vấn đề cần thảo luận, trong đó vấn đề tự chủ đại học đang được đặt ra mạnh mẽ hơn. Với trường đại học tư thục càng cần có cơ chế thông thoáng hơn để chủ động hơn trong tuyển sinh.
Ở một góc nhìn riêng, ông Mai Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ, mục tiêu chính của giáo dục đại học là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo nhân tài phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục tiêu công nhận việc hoàn tất chương trình học phổ thông và đạt chuẩn của học sinh, và chỉ là điều kiện cần để tham dự tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chính vì vậy, đòi hỏi các trường đại học cần tăng cường đổi mới tuyển sinh, giảm tối đa sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Luật Giáo dục đại học đã giao quyền cho các trường đại học tự quyết định cách tuyển sinh, nhưng trên thực tế công tác tuyển sinh cho thấy nhiều trường chỉ muốn đơn giản trong khâu tổ chức hoặc quá lúng túng.
Ngành “hot” hút thí sinh
Với nhiều cơ hội việc làm hơn, khối ngành kinh tế, quản lý, du lịch, công nghệ thông tin vẫn thu hút nhiều thí sinh; các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ tiếp tục rơi vào tình trạng “khó” tuyển sinh. Ðiều này, theo TS Lê Xuân Vinh, cần có chính sách, hoạch định từ Nhà nước và các bộ, ngành liên quan để đảm bảo nguồn nhân lực cần thiết cho các lĩnh vực thiết yếu.
Trong khi đó, đánh giá của TS Trần Thị Việt Ngân, kết quả tuyển sinh năm nay tốt hơn năm 2020. Hiện nhà trường đào tạo 13 ngành, tuy nhiên tỷ lệ chọn ngành của thí sinh không đều, tập trung chủ yếu các nhóm ngành du lịch, kinh tế và sức khỏe.
MAI HOÀNG