Sớm ngăn chặn việc săn, bẫy chim yến trái phép
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh, một số người dùng lưới “tàng hình” cùng bộ âm thanh phát ra tiếng chim dẫn dụ để bẫy chim yến và các loại chim hoang dã. Tình trạng này đã uy hiếp trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của đàn chim yến trong thiên nhiên.
Thời điểm kết thúc thu hoạch vụ lúa Hè Thu ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước cũng là lúc “vào mùa” săn bắt chim yến và các loài chim hoang dã. Những người săn bắt chim sử dụng lưới “tàng hình” (lưới có sợi rất nhỏ, khó nhìn thấy), khổ rộng từ 2 - 3 m, dài đến vài trăm mét, căng trên các cọc tre dựng giữa các cánh đồng; cùng đó là dùng loa phát tiếng chim kêu hoặc cột chim mồi ở giữa lưới để dẫn dụ chim trời. Thời điểm mà các đối tượng giăng lưới bẫy chim là từ 5 - 7 giờ sáng, lúc đàn chim đi tìm mồi và từ 15 - 17 giờ chiều khi đàn chim trở về tổ. Chim yến săn bắt được, các đối tượng bán lại cho các cơ sở bán chim phóng sinh hoặc cung cấp cho các quán nhậu làm thức ăn, giả là chim sẻ.
Lưới “tàng hình” dùng để săn bắt chim yến trái phép được CA xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) thu giữ. Ảnh: N. HÂN
Ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cho hay: Tình trạng sử dụng lưới “tàng hình” để săn bắt các loài chim hoang dã nói chung trên địa bàn xã thời gian gần đây diễn ra khá nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, nhất là làm suy giảm đàn chim yến trong tự nhiên. Tháng 9.2021 vừa qua, lực lượng chức năng của xã đã tuần tra phát hiện có đến 5 điểm trên các cánh đồng ở các thôn: Phổ Trạch, Tân Thuận, Quảng Vân có giăng lưới để săn bắt chim trái phép, thu giữ 10 tấm lưới, 1 bộ loa phát thanh, 1 bình ắc quy, 1 thiết bị khếch đại âm thanh.
Bộ âm thanh dẫn dụ chim yến được các đối tượng đặt trên cánh đồng ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) để săn bắt chim yến trái phép. Ảnh N. HÂN
Trong tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Yến sào tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương đi kiểm tra, phát hiện có hàng chục vụ sử dụng lưới “tàng hình” để săn bắt chim yến trái phép.
Ông Trần Văn Ơi, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào tỉnh, cho hay: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.500 nhà yến đang hoạt động, với diện tích xây dựng hơn 200 nghìn m2, hơn 1.300 hộ tham gia nuôi. Nghề nuôi chim yến ở Bình Định nói riêng và cả nước nói chung phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nếu không có biện pháp bảo vệ đàn chim yến trong thiên nhiên thì có nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của loài chim này, phá vỡ cân bằng sinh thái, và thiệt hại cho hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến trong nhà, ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi kinh tế. “Mỗi con chim yến săn bắt trái phép bán chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng. Trong khi nếu bảo vệ tốt, mỗi năm, mỗi cặp chim yến có thể mang lại giá trị kinh tế tới cả triệu đồng nhờ khai thác tổ”, ông Ơi nói.
Theo Công ước CITES, chim yến là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển. Việt Nam tham gia Công ước CITES năm 1994. Tại Việt Nam, chim yến được xếp vào nhóm IIB trong danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm. Tại điểm e, Điều 25, Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có quy định tuyệt đối không được săn bắt chim yến. Để bảo vệ loài chim yến, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 376/UBND-KT ngày 20.1.2021 yêu cầu Sở NN&PTNT, CA tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các giải pháp chấn chỉnh hoạt động săn, bẫy chim yến.
Nguồn: BTV
Về việc chế tài xử lý hành vi săn bắt, bẫy chim yến trái phép, tại khoản 3, Điều 27, Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 1.3.2021 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 15 triệu đồng/vụ đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến trái phép...
Pháp luật đã quy định rõ về bảo vệ chim yến cũng như hình thức xử phạt đối với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép chim yến. Do vậy, rất cần sự trách nhiệm, chung tay của các cấp, các ngành, cùng với người dân trong việc bảo vệ loài chim quý này.
NGUYỄN HÂN