Những điều đảng viên không được làm phải dễ nhớ, dễ nhận diện
Quy định số 47 cần được bổ sung, sửa đổi để làm sao cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện và tổ chức đảng dễ giám sát, dễ nhận diện.
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội đó là thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1.11.2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Sau 10 năm thực hiện, Quy định số 47 đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, so với tình hình thực tế hiện nay, có một số điều không đủ rõ, có nội dung khó áp dụng gây khó khăn trong việc xem xét vi phạm của đảng viên, cần được bổ sung, sửa đổi.
Quy định làm sao dễ nhớ, dễ nhận diện
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Hải Phòng) cho rằng, quy định 19 điều đảng viên không được làm đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam. (Ảnh: QĐND)
Tuy nhiên, bối cảnh thực tế hiện nay đã thay đổi rất nhiều khi đất nước ta đã và đang đối mặt với nhiều thách thức mang tầm quy mô toàn cầu và tác động bao trùm như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mặt trái của cơ chế thị trường... Những yếu tố này không chỉ tác động trước mắt và còn có thể lâu dài, đòi hỏi những phẩm chất mới, năng lực mới, khả năng thích nghi mới và phong cách mới của người cán bộ, đảng viên.
“Đảng ta đổi mới trên nguyên tắc tự đổi mới mình, tức là thay đổi chất lượng của tổ chức cũng như chất lượng đảng viên. Chính vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi quy định sao cho phù hợp với tình hình mới để làm sao cán bộ, đảng viên không chỉ gương mẫu chấp hành các quy định, điều lệ, nghị quyết của đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn là tấm gương để quần chúng noi theo, tác động sâu sắc đến xã hội” - ông Nguyễn Chu Hồi cho biết.
Để góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, sự thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, Quy định số 47 cần được bổ sung, sửa đổi để làm sao cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện và tổ chức đảng dễ giám sát, dễ nhận diện. Nếu quy định những điều không được làm mà trừu tượng quá thì người dân và tổ chức đảng khó nhận diện, “đo đạc” được mức độ vi phạm của đảng viên đến đâu.
Song, quy định dù chi tiết, cụ thể thế nào cũng không thể bao phủ hết những diễn biến sinh động của cuộc sống, vì vậy, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, hiểu biết, chú trọng rèn luyện thường xuyên, nhất là tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống, có khả năng điều chỉnh được hành vi, ứng xử được các tình huống để làm sao không vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhận diện các biểu hiện tiêu cực
Cùng chung quan điểm, ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Quy định số 47 về cơ bản còn phù hợp với tình hình hiện nay, song có một số điều trong thực tiễn chưa đủ rõ, bên cạnh đó cũng có những điều trùng lặp với các quy định mà pháp luật đã cấm, do đó cần được bổ sung, sửa đổi.
Ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Theo ông, đảng viên là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, cho nên những điều pháp luật đã nghiêm cấm đối với mọi công dân thì đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Ví dụ như vấn đề mê tín dị đoan; tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; sử dụng các chất ma túy và các tệ nạn xã hội khác... Những nội dung này đều được pháp luật cấm, mọi công dân, trong đó có đảng viên không được làm. Vì vậy, những nội dung này không cần thiết đưa vào quy định của Đảng.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung những nội dung mà trong tình hình mới đặt ra yêu cầu đối với đảng viên cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình, trong đó có yêu cầu phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt là những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà những năm gần đây Đảng ta đã nhìn thấy thì cần lựa chọn để bổ sung, sửa đổi quy định để đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
“Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, 10 năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các biểu hiện suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm đã được nhận diện và có chế tài xử lý. Đây cũng là một trong những cơ sở để Trung ương tìm kiếm, lựa chọn những biểu hiện cụ thể để bổ sung vào Quy định số 47 làm sao ngắn gọn, thiết thực, rõ hơn, là trọng tâm của yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới” - ông Lê Truyền nêu ý kiến.
Việc bổ sung, sửa đổi Quy định số 47 cũng đặt ra yêu cầu cần phải nhận diện rõ những biểu hiện nào là tiêu cực, là suy thoái cần phải phòng chống.
“Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ bản vị, lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm, nói không đi đôi với làm, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân... những biểu hiện này rất tinh vi, diễn ra ở nhiều cấp khác nhau, ở nhiều con người khác nhau, làm cho tính gương mẫu, hoạt động của Đảng bị hạn chế” - ông Lê Truyền nói và nhấn mạnh hiện nay nhiều văn bản của Đảng về phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực đã được quy định rất cụ thể, do đó cần lựa chọn những biểu hiện cụ thể để bổ sung, sửa đổi Quy định số 47 sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo Kim Anh (VOV.VN)