Tìm hiểu chính sách thuế
6 nội dung lưu ý khi chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123
Nghị định 123/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2022, dưới đây 6 nội dung nên lưu ý khi chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT):
1. Xác định đơn vị thuộc diện đăng ký áp dụng HĐĐT không mã hay HĐĐT có mã của cơ quan thuế để khai vào Mẫu 01ĐKTĐ/HĐĐT.
2 trường hợp được đăng ký áp dụng HĐĐT không mã:
- Nếu không có trong danh sách cơ quan thuế thông báo thuộc diện rủi ro phải áp đăng ký loại HĐĐT có mã của cơ quan thuế và đơn vị có phần mềm kế toán.
- Nếu không có trong danh sách cơ quan thuế thông báo thuộc diện rủi ro phải áp đăng ký loại HĐĐT có mã của cơ quan thuế và đơn vị thuộc ngành nghề sau: Điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, thương mại, kinh doanh siêu thị, vận tải.
2. Hủy hóa đơn tồn trước đây kể cả điện tử (theo Thông tư 32) sau khi được cơ quan thuế chấp nhận đăng ký HĐĐT, thời hạn hủy sau 30 ngày kể từ khi gửi thông báo cho cơ quan thuế. Đơn vị vào ứng dụng báo cáo hóa đơn, chọn Mẫu thông báo hủy hóa đơn để thực hiện. Tại chỉ tiêu “phương pháp hủy hóa đơn”:
- Đối với hóa đơn giấy: Ghi cắt góc.
- Đối với HĐĐT: Ghi hủy điện tử.
3. Trường hợp đơn vị áp dụng HĐĐT không mã, phải chuyển dữ liệu hóa đơn bán ra cho cơ quan thuế, thường là chuyển qua tổ chức dịch vụ (chuyển trực tiếp vào Cổng thông tin của Tổng Cục thuế phải đáp ứng điều kiện và được Tổng cục có văn bản đồng ý).
+ Phương thức chuyển dữ liệu hóa đơn:
- Chuyển theo bảng tổng hợp nếu ngành nghề: Bưu chính viễn thông, điện, nước sạch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng không, chứng khoán. Thời điểm chuyển dữ liệu: Chuyển cùng lúc với Tờ khai mẫu 01/GTGT.
- Chuyển đầy đủ nội dung từng hóa đơn nếu không thuộc ngành nghề trên; thời điểm chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế: Sau khi chuyển cho người mua.
Riêng đối với kinh doanh xăng dầu, người bán tổng hợp hóa đơn bán trong ngày theo từng mặt hàng trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT và chuyển ngay trong ngày.
4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số ngành đặc thù, thực hiện theo Điều 9 Nghị định 123/2020. Lưu ý, thực hiện HĐĐT theo Nghị định 123/2020 thì khi xuất khẩu HHDV vẫn phải xuất hóa đơn.
5. Sửa chữa hóa đơn khi sai sót:
- Trường hợp đã chuyển/chưa chuyển hóa đơn cho khách hàng:
Khi có sai sót đều phải lập Mẫu 04/SS-HĐĐT gửi cơ quan thuế; trường hợp chỉ sai tên, địa chỉ người mua thì không phải lập lại hóa đơn.
- Trường hợp chưa chuyển hóa đơn cho khách hàng thì lập hóa đơn mới, ký số rồi gửi cho người mua, hoặc gửi cơ quan thuế cấp mã để gửi cho người mua.
- Trường hợp đã chuyển hóa đơn cho khách hàng, 2 bên mua bán phải có văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót và lập lại hóa đơn. Đơn vị được lựa chọn một trong hai cách: Lập lại hóa đơn mới điều chỉnh hóa đơn sai sót hoặc hóa đơn mới thay thế hóa đơn sai sót, ký số rồi gửi cho người mua, hoặc gửi cơ quan thuế cấp mã để gửi cho người mua.
6. Báo cáo sử dụng hóa đơn điện tử: Đơn vị không phải báo cáo.
Phòng Tuyên truyền Cục Thuế Bình Định