Sắc mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
LTS: Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, nhằm tập hợp, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ hôm nay, Báo Bình Ðịnh mở chuyên trang “Dân tộc & Phát triển” (trang 7, số báo thứ Sáu tuần đầu tiên của tháng), nhằm tăng cường tuyên truyền cho công tác này, góp phần khẳng định quan điểm xuyên suốt của Ðảng là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Ðảng và nhà nước, nhiều chương trình, dự án, đề án đã được ưu tiên đầu tư cho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, đã góp phần xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn văn hóa truyền thống ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Đổi thay rõ rệt
Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2020, từ Chương trình 30a của Chính phủ, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ tỉnh Bình Định 516 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã đầu tư xây dựng 580 công trình điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt…; duy tu, bảo dưỡng trên 80 công trình hạ tầng thiết yếu khác. Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương cũng đã hỗ trợ hơn 143 tỷ đồng để phát triển sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Một góc xã An Dũng (huyện An Lão). Ảnh: N. HÂN
Cùng với đó, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chính sách định canh, định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất… dành cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả đã góp phần giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.
Điều đáng mừng là từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và nhà nước, nhận thức của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã nắm bắt được các tiến bộ KHKT để ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, số hộ thoát nghèo tăng cao theo từng năm.
Đến với các xã vùng sâu, vùng xa của huyện An Lão, đi trên những con đường bê tông phẳng phiu, thông suốt giao thông 4 mùa, được tận mắt chứng kiến những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm ăn của bà con H’rê, Bana nơi đây mới thấy hết hiệu quả mà các chương trình, dự án, đề án về phát triển KT-XH, giảm nghèo mang lại.
Trên địa bàn tỉnh có 39 dân tộc thiểu số sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát với 11.285 hộ, 41.297 nhân khẩu (chiếm khoảng 2,5% dân số toàn tỉnh).
Điều đáng ghi nhận ở huyện miền núi An Lão là cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… được đầu tư hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Các mô hình phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS mang lại hiệu quả cao như chăn nuôi heo đen, nuôi gà thả đồi, nuôi bò lai, nuôi ong lấy mật, khoanh nuôi mây rừng tự nhiên, trồng rừng kinh tế... ngày càng nhiều. Từ đó đã thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, giúp đời sống của người dân ngày càng ổn định, đời sống tinh thần được nâng cao. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân mỗi năm trên 7%. Ông Đinh Văn Gờ, người dân ở thôn 5, xã An Nghĩa (huyện An Lão), phấn khởi: “Đời sống của người dân thôn mình bây giờ đổi thay nhiều lắm! Cái đói, cái nghèo, các hủ tục lạc hậu hầu như đã được đẩy lùi. Người dân ai cũng chăm lo làm ăn để thoát khỏi cảnh nghèo!”.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung cho hay: Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 6,5%/năm (kế hoạch của tỉnh đề ra là giảm 5%/năm). 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã được bê tông hóa, nhựa hóa, đảm bảo giao thông thông suốt quanh năm; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ; 100% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, THCS được đến trường theo quy định…
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ
Phải khẳng định rằng, nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án đầu tư dành cho các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS, đã góp phần phát triển KT-XH cho các địa phương vùng khó khăn.
Tuy nhiên, nếu so sánh giữa vùng đồng bằng với vùng miền núi thì chênh lệch về mức sống, thu nhập, tỷ lộ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Để dần rút ngắn khoảng cách, trong giai đoạn 10 năm đến, Đảng, Nhà nước vẫn xác định ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống cho nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nghị quyết số 88/2019/NQ-UBTVQH của Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo ông Đinh Văn Lung, trong thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi khi có hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương. Cùng với đó, Ban sẽ làm việc cụ thể với các địa phương, chủ động xây dựng các công trình, dự án, đề án phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công thực hiện để đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo tỉnh kịp thời hỗ trợ trong giai đoạn sắp đến.
NGUYỄN HÂN