Cơ giới hóa sản xuất ở Phù Cát
Chưa được nửa giờ đồng hồ, 2 sào lúa của gia đình ông Nguyễn Bình, ở thôn Xuân Quang, xã Cát Tường, huyện Phù Cát đã được thu hoạch xong và đóng bao ngay ngắn trên bờ, gia đình chỉ việc đem về nhà. Trước đây để thu hoạch 1 sào lúa ông Bình phải thuê 2 - 3 lao động với giá 200 nghìn đồng/người/ngày, thuê công tuốt lúa 15.000 đồng/bao, tổng chi phí thu hoạch cho 1 sào lúa khoảng 700 - 800 nghìn đồng, còn bây giờ với máy gặt đập liên hợp 1 sào chỉ mất 250 nghìn đồng, thêm vào đó, thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn, thay vì cả ngày giờ chỉ còn 25 phút.
Phần nhiều ruộng lúa ở huyện Phù Cát đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Ảnh: THẾ HÀ
Ông Bình tâm đắc: Máy móc đã thay thế sức người rất nhiều, vào vụ thu hoạch tôi chỉ bố trí 2 người chở lúa về nhà. Đặc biệt máy gặt đập liên hợp còn xử lý triệt để nhiều khâu ví dụ, lúa sau khi được tuốt ra đóng bao dễ dàng đưa lên bờ, rơm rạ được máy cuộn tròn gọn gàng rất dễ lưu trữ làm thức ăn cho gia súc hoặc bán để người khác làm nấm. Với những gia đình có nhiều lao động đi làm việc tại các nhà máy, DN rõ ràng máy gặt đập liên hợp là lựa chọn đầu tiên trong vụ thu hoạch. Có vậy nông dân mới dễ đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải phóng đất để sản xuất vụ kế tiếp.
Câu chuyện thu hoạch lúa kể trên chỉ là một ví dụ, ở Phù Cát nhờ cơ giới hóa đi sâu vào sản xuất từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch, nông dân có thêm nhiều thời gian nông nhàn để làm nhiều việc khác, tăng thêm thu nhập. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho biết: Việc cơ giới hóa đi sâu vào sản xuất là một bước tiến rất quan trọng, nó góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Lợi ích đến nay đã thấy rất rõ, tuy nhiên để cơ giới hóa đi sâu vào sản xuất tiếp tục phát huy lên tầm mới, tới đây chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục bà con cùng nhau quán triệt để thực hiện tốt 3 cùng: “Cùng 1 loại giống lúa - Cùng 1 thời gian xuống giống, thu hoạch - Cùng 1 cánh đồng”!
THẾ HÀ