SỐ HÓA HỒ SƠ VỤ ÁN:
Tăng tính thuyết phục trong xét xử
Chứng cứ, lập luận: Rõ ràng, thuyết phục
Có thể nói, điểm nổi bật của phiên tòa số hóa hồ sơ là kiểm sát viên vừa tranh tụng vừa chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo bằng cách trình chiếu, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh trước Hội đồng xét xử. Để làm được như vậy, đòi hỏi kiểm sát viên phải chủ động các tình huống để xét hỏi, đối đáp, tranh luận cũng như đưa ra các quan điểm chính xác và có tính thuyết phục cao nhằm làm rõ các nội dung, sự thật khách quan của vụ án. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng sẽ thuận lợi trong việc bảo vệ quan điểm luận tội của mình. “Khi nhận được thông tin về tội phạm, nhất là đối với các loại án cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp, cướp giật… chúng tôi chủ trương “số hóa” ngay, cùng nhau mổ xẻ các chi tiết, nắm bắt toàn diện vụ án để đưa ra nhận định khách quan nhất”, Viện trưởng Viện KSND huyện Tây Sơn Phan Văn Toàn cho biết.
Quang cảnh một phiên tòa xét xử số hóa hồ sơ. Ảnh K.A
Mới đây, TAND huyện Tây Sơn đã xét xử sơ thẩm các bị cáo Lê Quang Huy (SN 2000), Nguyễn Đặng Hùng (SN 2002, cùng tỉnh Gia Lai) và Nguyễn Minh Vương (SN 1998, huyện Tuy Phước) về tội “trộm cắp tài sản” và “cướp giật tài sản”. Phiên tòa đã nhận được sự đồng tình cao của người tham dự. Bên cạnh việc công bố cáo trạng, quan điểm, lập luận đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo, kiểm sát viên giữ quyền công tố còn công khai đoạn phim ghi lại hình ảnh quá trình phạm tội của bị cáo và một số chi tiết, chứng cứ thể hiện rõ hành vi phạm tội. “Trực tiếp xem các chứng cứ cụ thể bằng hình ảnh và được hội đồng xét xử phân tích rõ ràng từng chi tiết, hành vi phạm tội, bị cáo không còn lý do gì để biện luận cho tội lỗi của mình. Chỉ mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được trở về làm lại cuộc đời”, bị cáo Huy nói trước khi hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 10 năm tù giam.
Hay như bị cáo Trần Văn Thạnh (huyện Vân Canh) phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Trong giai đoạn điều tra, bị cáo Thạnh không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Song tại tòa, được xem đoạn video trích xuất từ camera chứng minh rõ hành vi phạm tội cùng với kết luận giám định dấu vân tay thu thập được tại hiện trường và lập luận sắc bén của kiểm sát viên, bị cáo Thạnh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Nhiều ưu điểm cần phát huy
Số hóa hồ sơ vụ án hình sự là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ từ dạng vật chất thành dạng file hình ảnh hoặc video. Người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính trình chiếu chứng cứ lên màn hình hoặc nghiên cứu, trích xuất phục vụ công tác xét xử, không phải sử dụng đến hồ sơ vụ án bằng giấy. Theo đánh giá, việc ứng dụng phần mềm số hóa hồ sơ phục vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã góp phần nâng cao tính thuyết phục của chứng cứ, kỹ năng tranh tụng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm sát viên và cũng là một kênh thông tin để tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Việc số hóa nội dung vụ án giúp không phải in ấn, thuận lợi cho việc lưu trữ và có thể truy xuất dữ liệu mọi lúc, mọi nơi, nhất là đối với những vụ án phức tạp có hàng nghìn trang hồ sơ, bút lục. Không những thế, việc số hóa còn làm cho quá trình tranh luận trong phiên tòa dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình tranh tụng, đưa ra quan điểm luận tội chính xác, có tính thuyết phục cao.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, viện KSND 2 cấp trong tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới. Trong đó, có việc tăng cường sử dụng số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. “Việc số hóa hồ sơ vụ án là bước đột phá lớn trong công tác xét xử, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp. Vì thế, ngành sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng hình ảnh, tài liệu, chứng cứ; tổ chức tập huấn kỹ năng số hóa hồ sơ vụ án, kỹ năng công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay...”, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang cho biết.
KIỀU ANH